Tuyên bố chung của ABS lần thứ 10: 'Châu Á siêu kết nối vì sự phát triển bền vững'
Chiều qua (17/10), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á (ABS) lần thứ 10 đã kết thúc với tuyên bố chung: 'Châu Á siêu kết nối vì sự phát triển bền vững'.
Hội nghị đã thống nhất rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế trong khu vực là chìa khóa để phát triển bền vững và bao trùm. Đặc biệt trong kỷ nguyên số với những thay đổi công nghệ mạnh mẽ, sự hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, từ công nghệ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, môi trường, tài chính là điều tất yếu.
Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung thể hiện cam kết và nỗ lực chung của cộng đồng DN châu Á nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và thịnh vượng chung.
Chia sẻ về chủ đề của tuyên bố chung, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết có hai nội dung chính trong tuyên bố này là Châu Á kỹ thuật số và Châu Á toàn cầu và cả hai nội dung này đã hợp thành chủ đề: “Châu Á siêu kết nối vì sự phát triển bền vững”.
Với nội dung: “Châu Á kỹ thuật số: Hợp tác để sáng tạo bền vững”, các nền kinh tế Châu Á tại hội nghị đã thống nhất khẳng định cam kết xây dựng một khung chính sách mở và tìm kiếm các cơ hội đến từ cuộc cách mạng đổi mới kỹ thuật số, thúc đẩy thực hiện các tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người.
Đặc biệt, trong bối cảnh đó các DN được coi là lực lượng tiên phong của các nền kinh tế, nên cần được cho phép liên tục đổi mới về công nghệ và quản lý để có các mô hình kinh doanh mạnh mẽ và bền vững. Các cộng đồng DN châu Á phải thúc đẩy các DN chất lượng tập trung vào trách nhiệm xã hội của DN, các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và công nghệ xanh, từ đó cho phép sử dụng hiệu quả tài nguyên và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
“Để làm được điều đó, cộng đồng DN châu Á sẽ tăng cường hợp tác và tập trung vào đổi mới có thể kết nối các nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên bất kể mức độ phát triển kinh tế của từng thành viên và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong khu vực”, ông Lộc nói.
Với nội dung “Châu Á toàn cầu: Quan hệ đối tác để phát triển toàn diện”, tuyên bố chung tái khẳng định việc mở rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thúc đẩy sớm thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là những mục tiêu chính trong việc hội nhập kinh tế khu vực và các bên sẽ ủng hộ các hiệp định thương mại này. Ngoài ra, các bên đồng ý rằng các Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) không nên riêng biệt và thương mại nên được tự do hóa để đạt được sự tương thích của WTO, hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích chung cho mọi người (CNAIC).
Các hiệp hội DN châu Á cũng đồng ý rằng các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục là trụ cột của nhiều nền kinh tế châu Á. Do đó, các bên sẽ khuyến khích các DN vận hành các DN xuyên biên giới thành công và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời mở rộng khả năng đổi mới và sự hiện diện toàn cầu thông qua nền kinh tế kỹ thuật số, Internet và nền tảng thương mại điện tử.
Được biết, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Châu Á lần thứ 11 sẽ được tổ chức tại Nhật Bản.