EU muốn giải phóng một phần 280 tỷ USD bị đóng băng từ Nga
EU đang tìm cách sử dụng 280 tỷ USD tài sản Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine, khi Mỹ có dấu hiệu cắt giảm viện trợ.
Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách sử dụng khoản tiền trị giá 280 tỷ USD bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga, trong bối cảnh khối này muốn tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, đặc biệt khi xuất hiện dấu hiệu Mỹ có thể cắt giảm viện trợ, theo Bloomberg.

Hình minh họa cờ nga đằng sau dây thép gai. Ảnh: Getty
Các quan chức EU đang thảo luận về việc dùng số tài sản này làm tài sản thế chấp cho một Ủy ban Khiếu nại Quốc tế, nơi sẽ xác định khoản bồi thường mà Ukraine có thể nhận. Nếu Moscow từ chối chi trả, tài sản có thể bị tịch thu.
Những người tham gia đàm phán cho biết, số tiền bị thu giữ có thể được tính vào khoản bồi thường thiệt hại mà Nga phải trả cho Ukraine theo một thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai.
Valdis Dombrovskis và Maria Lúis Albuquerque, lãnh đạo phụ trách kinh tế và dịch vụ tài chính của EU, nhấn mạnh khối này cần xem xét mọi phương án có thể để hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga.
Một phương án khác đang được cân nhắc là yêu cầu các quốc gia thành viên EU tịch thu tài sản nhà nước Nga để bù đắp cho thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. EU cũng xem xét liệu phán quyết của Tòa án Hình sự Quốc tế và mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công có thể tạo cơ sở pháp lý để hành động theo luật hình sự EU hay không.
Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên, bao gồm Đức và Pháp, đã bác bỏ đề xuất tịch thu toàn bộ số tài sản này, do lo ngại hậu quả pháp lý và kinh tế. Các nước này cũng quan ngại về tác động của hành động trên đối với vai trò quốc tế của đồng euro. Theo Bloomberg, cơ quan đối ngoại EU và một số quốc gia thành viên đang nghiên cứu liệu có cần một phán quyết của tòa án để làm cơ sở pháp lý cho việc tịch thu tài sản bị đóng băng hay chỉ cần dựa vào tính toán thiệt hại. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch này.
Việc tịch thu tài sản càng trở nên phức tạp khi Nhóm G7 đã sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga bị đóng băng để tài trợ khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine.
Ủy ban châu Âu được cho là đã thông báo với các đại sứ EU rằng các cuộc đàm phán về việc thành lập Ủy ban Khiếu nại Quốc tế sẽ bắt đầu vào ngày 24/3. Vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU vào ngày 24/2.
Ủy ban mới sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các yêu cầu bồi thường và xác định số tiền chính xác mà Nga phải trả.
"Không thể có công lý nếu không có bồi thường. Nga phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình và phải trả giá", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố trong tháng này.
Bloomberg cho biết EU, Nhóm G7 và Australia đã phong tỏa khoảng 280 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga dưới dạng chứng khoán và tiền mặt, chủ yếu thông qua công ty thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ. Bộ Tài chính Mỹ cũng ước tính các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân Nga đã khiến khoảng 58 tỷ USD tài sản khác bị đóng băng, bao gồm bất động sản, du thuyền và máy bay cá nhân.
Hồi cuối tháng 12, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha đã kêu gọi các đối tác chuyển từ đóng băng tài sản Nga sang tịch thu, nhấn mạnh số tiền này nên được sử dụng để hỗ trợ Ukraine.