Tuyên chiến với hàng giả, hàng lậu
Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay xử lý hàng giả, hàng lậu đang có xu hướng diễn biến phức tạp.
Nhiều vụ vi phạm
Tháng 1.2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã xử phạt hành chính Công ty TNHH May Đăng Linh có trụ sở ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) 500 triệu đồng do vi phạm gia công hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo. Công ty bị tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm gồm 6.446 chiếc áo phông giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng; nguyên vật liệu để may khoảng 2.051 chiếc áo giả nhãn hiệu; 11 kg cúc áo các loại; 81 kg chỉ may các loại; 4 kg bao bì túi nilon với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 419 triệu đồng.
Đến tháng 2, Cục QLTT tỉnh kiểm tra và xử lý vụ việc anh Phạm Đức Hải ở xã Thống Kênh (Gia Lộc) trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đơn vị đã xử phạt hành chính anh Hải hơn 108 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm là giày dép, quần áo, ví cầm tay có tổng trị giá hơn 163 triệu đồng.
Mới đây, ngày 7.10, Đội QLTT số 4 phối hợp Công an huyện Bình Giang tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh đồng hồ do ông Phạm Văn Hậu ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) làm chủ. Đoàn kiểm tra đã phát hiện cửa hàng đang bày bán 398 chiếc đồng hồ đeo tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu ROLEX. Toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đoàn đã tạm giữ toàn bộ để xác minh làm rõ theo quy định.
Đó chỉ là 3 trong số nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng lậu được phát hiện xử lý. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, xử lý 27 vụ hàng lậu, 17 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ với tổng số tiền xử phạt hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm hơn 2,3 tỷ đồng. Việc kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả đã giảm 45 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc kiểm tra của lực lượng QLTT.
Phòng ngừa từ sớm
Tuy số vụ vi phạm bị phát hiện giảm nhưng mức độ vi phạm và giá trị hàng hóa bị tịch thu vẫn rất lớn. Các vụ việc tồn tại nhiều phức tạp với những thủ đoạn mới của các đối tượng như gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam; lợi dụng vận chuyển hàng lậu, hàng kém chất lượng; vi phạm sở hữu trí tuệ qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh; lợi dụng hình thức bán hàng trực tuyến... Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn trong quá trình vận chuyển, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Theo ông Trần Văn Toàn, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, hàng giả, hàng lậu luôn tập trung vào nhóm có thương hiệu, phổ biến với người dân. Mặt hàng chủ yếu bị làm giả, nhập lậu là giày dép, quần áo, thực phẩm chức năng, phụ kiện trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, dược phẩm, dược liệu... Vấn đề phức tạp nhất hiện nay là việc sử dụng mạng xã hội, dịch vụ chuyển phát nhanh để kinh doanh hàng hóa vi phạm có chiều hướng gia tăng và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.
Cục QLTT tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) và qua công tác nắm bắt, đánh giá tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh, xu hướng, quy luật của đối tượng vi phạm để có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời. Những mặt hàng mang tính “mùa vụ” được tăng cường nghiên cứu, nắm bắt, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý. Những thủ đoạn, hành vi, mặt hàng vi phạm mới bị phát hiện ở các địa phương khác hoặc do các ngành, cơ quan khác xử lý cũng được đưa vào “tầm ngắm” để đánh giá khả năng xuất hiện trên địa bàn tỉnh, từ đó có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa sớm.
Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh bám sát diễn biến tình hình thị trường, tiếp tục làm tốt công tác phối hợp liên ngành, các địa phương trong triển khai công tác quản lý địa bàn, cũng như đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường kiểm tra những nhóm mặt hàng, hành vi vi phạm phù hợp với diễn biến tình hình thị trường trong từng giai đoạn, thời điểm, theo sự chỉ đạo của cấp trên. Tập trung nắm bắt và nghiên cứu các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn, các nhóm mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Tuyên truyền, ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phap-luat/tuyen-chien-voi-hang-gia-hang-lau-184537