Tuyển dụng qua livestream, 'chốt đơn' để chọn nhân viên

Nhiều công ty lớn tổ chức các buổi livestream tuyển người, nhân viên tiềm năng cũng có thể 'chốt đơn' bằng một cú nhấp chuột nếu đáp ứng đủ yêu cầu.

Sau khi tương tác ngắn với người dẫn chương trình trên kênh phát trực tiếp của một công ty thương mại điện tử, Xiaomin đã nhấp vào nút "gửi sơ yếu lý lịch" trên màn hình để gửi thông tin cá nhân cho công ty.

Xiaomin nộp đơn xin làm nhân viên hỗ trợ bán hàng và người dẫn chương trình mà cô nói chuyện là nhân viên của một công ty chuyên tuyển dụng.

Người dẫn chương trình chào đón mọi khách truy cập vào kênh livestream và cung cấp thông tin tổng quan về công ty thương mại điện tử, yêu cầu đối với công việc và quyền lợi của nhân viên. Người này cũng liên tục kêu gọi khách nộp hồ sơ, đồng thời hứa hẹn sẽ liên hệ phỏng vấn những ứng viên đủ điều kiện.

Công ty thương mại điện tử này đã tiến hành phát livestream trên một nền tảng tuyển dụng để tìm kiếm những ứng viên phù hợp. Buổi phát trực tiếp kéo dài một giờ thu hút hơn 1.400 lượt xem.

Trước đây, các công ty tuyển dụng nhân viên thông qua hội chợ việc làm trực tiếp, trang web việc làm hoặc cơ quan tuyển dụng, nhưng thực tế đang thay đổi.

Theo Think China, giờ đây, các công ty ở Trung Quốc có thể tiếp cận nguồn nhân tài lớn hơn với chi phí thấp bằng cách livestream để quảng cáo các vị trí tuyển dụng. Những người tìm việc, đặc biệt là công nhân, cũng có thể dễ dàng gửi hồ sơ của họ chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Xóa bỏ ranh giới

"Tuyển dụng qua livestream" đang trở nên phổ biến ở đất nước tỷ dân trong những năm gần đây. Với sự phát triển đa dạng của Internet, phát trực tiếp đã thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống, bao gồm giáo dục, thể thao, giải trí và mai mối.

Trên nhiều kênh video ngắn hoặc phát trực tiếp, "host tuyển dụng" rất nhiệt tình quảng bá các vị trí cần tìm nhân viên bằng cách giới thiệu công ty qua video, ảnh hoặc tương tác trực tiếp với ứng viên. Người tìm việc có thể ngay lập tức đặt câu hỏi, thậm chí gửi hồ sơ của họ nếu đáp ứng đủ nhu cầu.

So với các hội chợ việc làm offline, tuyển dụng qua livestream rẻ hơn và không bị giới hạn bởi ranh giới không gian hoặc địa lý. Hình thức này cũng thuận tiện và tiết kiệm thời gian, đồng thời có thể nâng cao hiệu quả đối sánh trong quá trình tìm kiếm nhân tài.

 Tuyển dụng qua livestream phát triển kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Tuyển dụng qua livestream phát triển kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngày càng nhiều nhà máy Trung Quốc chuyển hướng tuyển dụng sang các kênh phát livestream, như Douyin, Kuaishou và các nền tảng video ngắn khác, tham gia cuộc đua tuyển dụng phát trực tiếp, đồng thời phát triển các chức năng mới như gửi hồ sơ trực tuyến.

Kể từ đó, một lượng lớn người tìm việc đã đổ xô đến các kênh phát trực tiếp này. Dựa trên dữ liệu do Kuaishou công bố, kể từ khi nền tảng này giới thiệu Kwai Recruitment vào tháng 1/2022, số người dùng hoạt động hàng tháng đã đạt 250 triệu vào quý 2/2022, tăng 90% so với quý 1 cùng năm. Số lượng hồ sơ nộp hàng ngày cũng đạt đỉnh hơn 360.000.

Về phương thức tuyển dụng phát trực tiếp, một số doanh nghiệp tự lên các nền tảng video ngắn như Kuaishou và Douyin, hoặc các nền tảng tuyển dụng như BOSS Zhipin, đồng thời có nhân viên nhân sự riêng tổ chức buổi tuyển dụng phát trực tiếp.

Các công ty khác chọn ủy quyền cho các kênh livestream phổ biến và người tổ chức tuyển dụng chuyên nghiệp để xử lý quy trình tuyển dụng. Một số chính quyền địa phương cũng thỉnh thoảng tiến hành các đợt tuyển dụng trên các kênh livestream chính thức của họ.

Liu Chao, một người dẫn chương trình tuyển dụng phát trực tiếp với hơn 780.000 người theo dõi trên Kuaishou, đã thực hiện các đợt tuyển dụng phát trực tiếp cho hơn 100 doanh nghiệp và giúp trung bình 300-500 người tìm được việc làm mỗi tháng.

 Liu Chao là chuyên gia livestream tuyển dụng cho các doanh nghiệp.

Liu Chao là chuyên gia livestream tuyển dụng cho các doanh nghiệp.

Liu từng là người phát trực tiếp thương mại điện tử. Anh nói với Zaobao rằng sau khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, anh đã giúp một nhà máy sản xuất khẩu trang tuyển dụng gấp công nhân. Nhờ hiệu ứng tốt, anh thành lập công ty nhân sự của riêng mình và trở thành người dẫn chương trình livestream tuyển dụng.

Nhóm 20 thành viên của Liu bao gồm các nhà quản lý tiếp thị truyền thông. Trước mỗi buổi phát trực tiếp, họ sẽ đến thăm doanh nghiệp đối tác để hiểu và xác thực công ty cũng như thông tin tuyển dụng chi tiết.

Liu cho rằng điều quan trọng là lấy được lòng tin của người tìm việc. Do đó, công ty của anh cũng tiến hành các hoạt động tiếp theo sau khi quá trình tuyển dụng hoàn tất để theo dõi thù lao và điều kiện làm việc.

Cuộc đua tuyển dụng

Thời gian đầu, các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng hình thức tuyển dụng qua livestream để thuê lao động chân tay, đặc biệt là các công ty thiếu nhân sự đang tìm kiếm lao động phổ thông và kỹ thuật.

Theo một báo cáo về việc làm cổ cồn xanh (lao động chân tay) của Trung Quốc do Trung tâm Mô hình Việc làm Mới công bố, vào năm 2022, 67,6% công nhân cổ cồn xanh ở nước này thích tìm việc thông qua "giới thiệu giữa các cá nhân".

Nhưng các nền tảng video ngắn sẽ nhanh chóng trở thành sự lựa chọn thứ hai với tỷ lệ 17,7%, tăng đáng kể so với năm trước. Ngược lại, tìm việc làm trực tiếp với các công ty và cơ quan tuyển dụng lao động lần lượt chiếm 13,5% và 9,5%, cả hai đều giảm so với năm trước.

Dữ liệu của Kuaishou cũng cho thấy hơn 240.000 công ty đã tuyển dụng nhân viên trên nền tảng video ngắn vào năm 2022, tổng cộng hơn 5 triệu đợt tuyển dụng qua livestream đã được tiến hành, thu hút trung bình 250 triệu công nhân cổ xanh mỗi tháng.

 Nhiều chuyên gia cho rằng tuyển dụng qua livestream khó có thể tìm được nhân tài cấp cao. Ảnh minh họa: Reuters.

Nhiều chuyên gia cho rằng tuyển dụng qua livestream khó có thể tìm được nhân tài cấp cao. Ảnh minh họa: Reuters.

Sau khi các hoạt động tuyển dụng qua livestream được mở rộng, các tài năng cấp cao từ nhiều ngành nghề khác nhau cũng đã tham gia, nhiều vị trí đang nhắm đến đối tượng là sinh viên mới tốt nghiệp và chuyên gia văn phòng.

Trong tháng này, công ty công nghệ sinh học y tế H-Wayen Biotechnologists đã tổ chức một sự kiện tuyển dụng phát trực tiếp trên BOSS Zhipin, tìm kiếm nhân sự cho các vị trí như giám sát hành chính nhân sự và kỹ sư bán hàng. Trong đó, yêu cầu ít nhất bằng đại học đối với kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật, và ít nhất bằng thạc sĩ đối với vị trí quản lý tiếp thị.

Các công ty nổi tiếng như BYD, Foxconn, Spring Airlines và Luxshare Precision cũng bắt nhịp với xu hướng livestream sự kiện tuyển dụng.

Vào tháng 6/2021, Foxconn thông báo sự kiện tuyển dụng online đầu tiên trên Kuaishou. Các số liệu cho thấy sự kiện, chủ yếu hướng đến người khuyết tật, đã nhận được gần 300.000 lượt xem và 600 hồ sơ cho 880 vị trí còn trống, với tỷ lệ xin việc trên 60%.

Tuy nhiên, mô hình tuyển dụng này cũng có những hạn chế, bị cho là không phù hợp để thu hút nhân tài cấp cao. Liu Chao tin rằng không dễ để tìm được ứng viên phù hợp cho các vị trí cấp cao thông qua kênh này, đặc biệt là những tài năng cốt lõi, vốn rất được săn đón.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuyen-dung-qua-livestream-chot-don-de-chon-nhan-vien-post1425805.html