Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 (đoạn đường Đầm Hồng - quốc lộ 1A) thuộc quận Hoàng Mai theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) hơn 10 năm qua vẫn dở dang chưa thể thông xe.
Theo đó, dự án đường Vành đai 2,5 được TP Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư năm 2013, thực hiện theo hình thức BT, chỉ định chủ đầu tư. Năm 2014, Sở GTVT Hà Nội thực hiện ủy quyền của thành phố ký hợp đồng BT với nhà đầu tư liên danh: Cty CP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội, Cty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà.
Thế nhưng sau 10 năm, dự án vẫn chưa thể thông xe do vướng giải phóng mặt bằng.
Tại đoạn qua sông Lừ, dự án đường Vành đai 2,5 sẽ xây một cây cầu mới có mặt cắt rộng khoảng 40m, nằm sát cầu Định Công hiện nay. Tuy nhiên người dân khu vực này vẫn phải dùng cầu tạm vì đoạn cầu L3 chưa thể thông xe.
Đoạn từ cầu L3 (sông Lừ) đến Đầm Hồng nhiều năm nay thi công cầm chừng.
Hạng mục thi công hầm qua nút giao Giải Phóng - Kim Đồng vẫn chưa xong.
Dở dang nhiều năm khiến tuyến đường Vành đai 2,5 (đoạn đường Đầm Hồng - quốc lộ 1A) nhếch nhác, thành điểm tập kết rác thải, ô tô đỗ tràn lan dưới lòng đường.
Máy móc thiết bị phục vụ thi công dự án đường Vành đai 2,5 xếp hàng dài bên đường và khu vực văn phòng điều hành.
Điều đáng nói, dự án đường Vành đai 2,5 sau 10 năm vẫn chưa thực hiện xong nhưng dự án đối ứng là dự án Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công chủ đầu tư đã phân lô bán nền, huy động vốn khách hàng thông qua hình thức thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư”… dù chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa được giao đất... khiến nhà đầu tư bức xúc.
Được biết, Văn phòng UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản gửi Thanh tra TP khẩn trương thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về việc xem xét thanh tra dự án đầu tư liên quan đối ứng (dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công mở rộng) cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5
Trước đó, tháng 8/2023, sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2,5, Phó chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã kết luận tiến độ đầu tư dự án chậm, có nhiều đơn thư phức tạp liên quan đến việc triển khai dự án cần được xem xét, giải quyết thấu đáo.
Do đó, Phó chủ tịch TP giao Thanh tra TP Hà Nội xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhà đầu tư và liên quan đến dự án đối ứng dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A) và dự án đầu tư đối ứng liên quan.
Cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai, dự án xây dựng, mở rộng đường Tam Trinhđược phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2012 nhưng đến nay dự án vẫn đang ngổn ngang.
Theo đó, dự án đường Tam Trinh có tổng chiều dài hơn 3,5 km, điểm đầu nối với đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Vành đai 3, do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công năm 2016, với tổng mức đầu tư thời điểm đó lên đến 2.066 tỷ đồng, dự kiến dự án hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019.
Theo UBND TP Hà Nội, khi hoàn thành dự án, tuyến đường Tam Trinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân, làm giảm áp lực giao thông của các tuyến đường chính cửa ngõ phía Nam. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, đến nay tuyến đường Tam Trinh vẫn còn dang dở do vướng giải phóng mặt bằng.
Để thực hiện dự án, địa phương đã lên phương án chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 1.620 hộ dân và 19 tổ chức trong diện bị thu hồi đất. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận tiền bồi thường và bàn giao các diện tích đất nằm trong chỉ giới bị thu hồi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là do người dân không đồng tình với đơn giá bồi thường, hỗ trợ và giá bán nhà tái định cư.
Để giải quyết vướng mắc trên, UBND TP Hà Nội mới đây ban hành quyết định 6444 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh với tổng mức đầu tư dự án theo thiết kế cơ sở điều chỉnh là 3.354 tỷ đồng (tăng 1.287 tỷ đồng so với mức đầu tư được duyệt năm 2012).
Dự án sẽ xây dựng đồng bộ tuyến đường, chiều dài khoảng 3,5km, với mặt cắt toàn tuyến đường 40m theo chỉ giới đường đỏ đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư sau khi điều chỉnh là 1.046 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh trong giai đoạn 2016 - 2026.
Về nguồn vốn thực hiện, ngân sách thành phố ứng trước và hoàn trả nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn quận Hoàng Mai để tạo nguồn vốn thực hiện dự án.
Ngoài ra, dự án cũng sử dụng 1.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách quận Hoàng Mai.
Hiện nay dự án đường Tam Trinh mới chỉ hoàn thành một đoạn khoảng 300m, đoạn qua chung cư 987 Tam Trinh, phường Yên Sở.
Tại khu vực này cũng hình thành nút thắt cổ chai suốt nhiều năm qua khiến người dân đi lại gặp nhiều khó khăn.
Đoạn nút giao đường Tam Trinh với đường Vành đai 3 nhìn từ trên cao.
Đình Phong