Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có gì khác biệt so với Cát Linh - Hà Đông?
Tuyến đường sắt đô thị đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội sẽ đi vào vận hành vào tháng 7 tới đây, nhiều người băn khoăn về sự giống và khác nhau của hai tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước này.
Trả lời với Báo Giao thông về nội dung trên, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, giống như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, từ quầy bán vé để lên tàu tuyến đường sắt đô thị đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội có thể di chuyển bằng thang bộ, thang cuốn và thang máy.
Tại khu vực chờ tàu được bố trí nhiều biển chỉ dẫn về lối lên xuống cầu thang, màn hình điện tử hiển thị thời gian tàu đến và đi, những khuyến cáo đối với hành khách.
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn giống nhau là toàn bộ đoạn trên cao đều có 2 đường ray dành cho 2 tàu chạy đồng thời.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, tuyến Cát Linh - Hà Đông được thiết kế và thi công các thiết bị theo tiêu chuẩn Trung Quốc còn tuyến Nhổn - ga Hà Nội được thi công theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị của tuyến đều do hãng của châu Âu sản xuất.
Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, còn tuyến Nhổn - ga Hà Nội do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư.
Nhà thầu tuyến Cát Linh - Hà Đông là tập đoàn EPC Cục 6 đường sắt Trung Quốc, được khởi công từ ngày 10/10/2011. Tuyến dài 13,1km (gồm 12 ga trên cao).
Tổng mức đầu tư là 886 triệu USD (tương đương khoảng trên 20 nghìn tỷ đồng), từ vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Tuyến này có số lượng 13 đoàn tàu (mỗi tàu có 4 toa). Chạy với tốc độ trung bình 35km/h (tối đa 80km/h). Năng lực vận chuyển 1.362 khách/tàu. Hãng sản xuất tàu là Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc).
Về trang trí vỏ tàu, bên ngoài sơn màu xanh lá cây là chủ đạo, đầu tàu được trang trí bằng biểu tượng Khuê Văn Các và dòng chữ trắng: Tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (và ngược lại) là 23,63 phút. Dự án vận hành thương mại từ ngày 6/11/2021.
Còn tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 8,5km đi qua 8 ga với tổng thời gian trên 13 phút, thời gian di chuyển giữa các ga từ 70-90 giây. Tàu có tốc độ kỹ thuật 80km/h. Vận tốc tàu chạy trong giai đoạn vận hành 35 km/h, 4 ga ngầm dài 4,5km.
Tuyến đường sắt đô thị này được xây dựng từ vốn vay ODA của Pháp và ngân sách TP Hà Nội với tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng, có số lượng 10 đoàn tàu, mỗi đoàn có 4 khoang. Trung bình có 850 - 950 khách/tàu. Hãng sản xuất tàu là Tập đoàn Alstom (Pháp). Nhà thầu là Hyundai E & C (Hàn Quốc) và Ghella S.p.A (Ý). Tuyến được khởi công từ ngày 10/10/2010.
Trang trí vỏ tàu được kết hợp màu vàng, đỏ, ghi xám, được lấy cảm hứng từ nông sản Việt Nam là quả thanh long và lá mạ.
Giá vé tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - ga Hà Nội được đơn vị vận hành cho biết về cơ bản sẽ thống nhất theo quy định của UBND TP Hà Nội.
Về vé lượt (vé chặng): Với giá lượt từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt tùy thuộc vào khoảng cách di chuyển của hành khách.
Vé tháng bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm: học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân các khu công nghiệp: 100.000 đồng/vé/tháng.
Giá vé tháng bán cho các đối tượng mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên: 140.000 đồng/vé/tháng.
Vé ngày với 30.000 đồng/vé/ngày. Giá vé tháng bán cho các đối tượng không ưu tiên (đối tượng khác): 200.000 đồng/vé/tháng.
Vé miễn phí (giá 0 đồng) dùng cho trường hợp miễn tiền vé cho hành khách (trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60, người khuyết tật, người có nhân khẩu hộ nghèo), được cung cấp tại quầy bán vé.
Được biết, quá trình chạy thử tàu đoạn trên cao của tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ tiếp tục được thực hiện thêm 2 tuần nữa. Toàn bộ 57 kịch bản sẽ được triển khai thử trong giai đoạn này. Để công trình kịp khai thác thương mại vào tháng 7 tới đây.