Tuyến phố thương mại điện tử: Cơ hội mới trong kinh doanh

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khai thác tối đa những lợi thế, tiềm năng của kinh tế số, Sở Công Thương đã tham mưu với tỉnh xây dựng mô hình tuyến phố thương mại điện tử trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Từ đây mở ra nhiều cơ hội mới cho hộ kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, tăng trải nghiệm cho khách hàng kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và thực tế; đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa logistics.

Chị Đoàn Thị Thùy Dương, chủ shop "Thùy Dương - thời trang công sở" trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên), đã đăng ký tham gia chương trình xây dựng tuyến phố thương mại điện tử.

Chị Đoàn Thị Thùy Dương, chủ shop "Thùy Dương - thời trang công sở" trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên), đã đăng ký tham gia chương trình xây dựng tuyến phố thương mại điện tử.

Thay đổi phương thức kinh doanh

Kinh doanh mặt hàng quần áo đã được 3 năm tại số 25 đường Lương Ngọc Quyến, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chị Đoàn Thị Thùy Dương, chủ shop "Thùy Dương - thời trang công sở", rất phấn khởi khi Đoàn công tác của Sở Công Thương phối hợp với UBND phường tổ chức khảo sát để xây dựng tuyến phố thương mại điện tử (TMĐT).

Chị Đoàn Thị Thùy Dương cho biết: Hiện nay, việc bán hàng theo mô hình truyền thống rất chậm. Vì vậy, bản thân tôi đã tích cực làm các video clip giới thiệu nhiều mặt hàng trên trang Facebook để tăng lượng tương tác và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Khi được Sở Công Thương và UBND phường khảo sát để xây dựng tuyến phố TMĐT, tôi đã đăng ký tham gia chương trình bởi có niềm tin sẽ mở ra cơ hội mới trong kinh doanh. Tôi mong muốn Sở Công Thương nhanh chóng tổ chức tập huấn để các hộ đăng ký tham gia nắm bắt được nhiều kiến thức, kỹ năng về TMĐT, cũng như xây dựng gian hàng trên các sàn TMĐT uy tín...

Không riêng chị Đoàn Thị Thùy Dương, qua khảo sát tại 114 cơ sở kinh doanh trên tuyến đường Lương Ngọc Quyến (thuộc phường Hoàng Văn Thụ), có tới 102 cơ sở hưởng ứng, nhất trí tham gia chương trình, 12 cơ sở không tham gia chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ.

Ông Dương Khánh Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, nhấn mạnh: Trên địa bàn phường có 3 trục đường kinh doanh rất sôi động là Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến và Bắc Kạn. Bán hàng trên sàn TMĐT, các hộ công khai, minh bạch về thông tin sản phẩm, giá nên sẽ mang lại hiệu quả cao khi song hành cùng với kinh doanh truyền thống. Khách hàng sẽ tiện lợi hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm, đảm bảo chất lượng, giá cả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo thống kê của phường Hoàng Văn Thụ, trên địa bàn phường có trên 720 hộ kinh doanh, năm 2024 đóng góp vào ngân sách địa phương 9,3/28 tỷ đồng tổng số thu ngân sách của phường.

5 tháng đầu năm 2025, số thu ngân sách từ các hộ kinh doanh khoảng gần 5/11,2 tỷ đồng tổng số thu. Kết quả trên cho thấy đóng góp của các hộ kinh doanh chiếm tới gần 1/3 tổng nguồn thu tại địa phương. Nếu các hộ tham gia trên các sàn TMĐT thì hiệu quả kinh doanh sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Các cơ sở kinh doanh trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên). Ảnh: Việt Dũng

Các cơ sở kinh doanh trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên). Ảnh: Việt Dũng

Ngoài phường Hoàng Văn Thụ, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND phường Quang Trung khảo sát đối với 85 cơ sở kinh doanh trên tuyến đường Lương Ngọc Quyến thuộc địa bàn phường, trong đó 60 cơ sở đăng ký tham gia mở gian hàng và kinh doanh trên các sàn TMĐT, nền tảng TMĐT; 18 cơ sở đề nghị tiếp tục nghiên cứu và sẽ phản hồi trong thời gian tới, chỉ có 7 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không tham gia.

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Việc phát triển kinh doanh thương mại - dịch vụ trên đường phố của tỉnh Thái Nguyên chủ yếu tập trung trên các tuyến phố trung tâm tại TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên và trung tâm các thị trấn huyện.

Các mặt hàng kinh doanh khá đa dạng, phong phú nhưng phần lớn là hỗn hợp. Đã hình thành các tuyến phố chuyên doanh như: Tuyến phố chuyên doanh thời trang (Lương Ngọc Quyến, Hoàng Văn Thụ), chuyên doanh dịch vụ ăn uống (Bắc Sơn, Việt Bắc, Minh Cầu), chuyên doanh ô tô, mô tô, xe máy (đường Cách mạng Tháng Tám, đoạn kho Ba mái - đường tàu), khu vui chơi, tuyến phố đi bộ trong lòng Khu đô thị Danko…

Theo thống kê của Sở Công Thương, về cơ cấu thị phần bán lẻ, kinh tế cá thể vẫn là chủ đạo và chiếm tới 60% thị trường bán lẻ; còn lại là doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 35% và doanh nghiệp nhà nước chiếm 5%. Cơ cấu thị phần bán lẻ chưa có sự chuyển dịch đáng kể từ khu vực buôn bán nhỏ lẻ cá thể sang khối doanh nghiệp.

Bên cạnh hoạt động bán lẻ, tổng mức hàng hóa bán buôn đạt mức 95 nghìn tỷ đồng/năm, gấp gần 3 lần doanh thu bán lẻ; bình quân hằng năm đạt mức tăng 10%/năm. Đây là hoạt động đóng góp lớn vào quy mô ngành thương mại trên địa bàn, trong đó khu vực doanh nghiệp doanh thu bán buôn chiếm 90% tổng số doanh thu bán buôn ngành thương mại.

Từ thống kê trên cho thấy, việc UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng mô hình tuyến phố TMĐT chính là giải pháp để thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao hiệu quả cho khu vực kinh tế cá thể.

Sở Công Thương phối hợp với UBND phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) tiến hành khảo sát các cơ sở, cửa hàng kinh doanh trên đường Lương Ngọc Quyến để xây dựng tuyến phố thương mại điện tử.

Sở Công Thương phối hợp với UBND phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) tiến hành khảo sát các cơ sở, cửa hàng kinh doanh trên đường Lương Ngọc Quyến để xây dựng tuyến phố thương mại điện tử.

Với sự tham mưu tích cực của Sở Công Thương, ngày 15/5/2025, UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND về việc triển khai mô hình tuyến phố TMĐT trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Đây là mô hình điểm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiếp cận, kinh doanh trên các sàn TMĐT, tạo tiền đề để nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương nhanh chóng mở các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trực tiếp về TMĐT; phối hợp với sàn TMĐT (Shopee, TikTok) thiết lập gian hàng cho các cơ sở kinh doanh. Về xây dựng hạ tầng công nghệ số, tổ chức lắp đặt hệ thống wifi miễn phí trên tuyến phố TMĐT; bố trí điểm hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn về TMĐT, thiết lập đường dây nóng; triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, bộ nhận diện tuyến phố TMĐT.

Mặt khác, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao số lượng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia TMĐT...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự tham mưu triển khai hiệu quả của Sở Công Thương và chính quyền các cấp của, mô hình tuyến phố TMĐT trên địa bàn TP. Thái Nguyên đang dần hình thành. Đây là giải pháp thiết thực để lĩnh vực thương mại dịch vụ của tỉnh duy trì tăng trưởng cao, mang lại giá trị gia tăng lớn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Thúy Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/tuyen-pho-thuong-mai-dien-tuco-hoi-moi-trong-kinh-doanh-63c274f/