Tuyên Quang gỡ 'điểm nghẽn' trong chuyển đổi số
Nghị quyết số 48-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp loại khá; đến năm 2030 nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Bắc. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, cần quyết tâm và sớm có giải pháp căn cơ tháo gỡ 'điểm nghẽn', nhất là nguồn nhân lực số, hạ tầng số và sự đồng hành của người dân…
Mở ra không gian phát triển mới
5 năm về trước, nhắc đến khái niệm chuyển đổi số, không ít người dân Tuyên Quang vẫn còn cảm thấy xa lạ; nhưng từ khi các địa phương đồng bộ thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15.11.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã có sự biến chuyển rõ rệt.
Đơn cử, tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, nhiều dịch vụ đã được xã cập nhật lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến như đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký tạm trú tạm vắng. Ngoài ra, các dịch vụ như chữ ký số, thông tin văn bản qua hệ thống IOffice cũng đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. “Nếu như trước đây, nhất là thời điểm cuối năm, việc giải quyết các thủ tục liên quan đến hóa đơn, chứng từ, lãnh đạo xã phải mất nhiều ngày thì giờ dịch vụ chữ ký số đã giải quyết cơ bản những khó khăn này” - Chủ tịch UBND xã Cầm Văn Dũng cho biết.
Tương tự, với xã Năng Khả (Na Hang), chuyển đổi số trong thời gian gần đây như “làn gió mới” góp phần vào công việc của chính quyền thêm hiệu quả, chất lượng phục vụ người dân được nâng cao rõ rệt. Hiện xã đang tiến hành các bước tập huấn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, đây là lực lượng chủ chốt trong tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân áp dụng công nghệ số.
Tại huyện Sơn Dương, chuyển đổi số đã được UBND huyện xây dựng thành Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Huyện hướng tới phổ cập kỹ năng số giúp người dân, doanh nghiệp được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số và tạo nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số…
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và đồng hành của người dân, đến nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang... Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh tới xã. Trong đó, đã triển khai các hệ thống dùng chung như: hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Tuyên Quang, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành.
Chú trọng nguồn nhân lực số
Mặc dù đạt nhiều kết quả, song hiện hiều sở, ngành chưa xây dựng được nền tảng phần mềm và kho cơ sở dữ liệu dùng chung của đơn vị mình; ở một số xã vùng sâu vùng xa, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn nhân lực số và sự tham gia đồng hành của người dân. Phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào (Sơn Dương) Hoàng Văn Khéo, trên thực tế, số người dân biết và thực hiện các dịch vụ công ở xã vẫn còn khiêm tốn, việc thực hiện các thao tác trên điện thoại thông minh chưa tốt, nhiều người còn tâm lý đến tận xã giải quyết cho “chắc chắn” dẫn đến hiệu quả chuyển đổi số chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, tại xã Yên Nguyên, để người dân biết và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng, cán bộ xã phải thực hiện 2 việc, vừa nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa đồng thời “cầm tay chỉ việc” cho người dân làm các thao tác trên điện thoại thông minh theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”…
Quyết tâm gỡ những “điểm nghẽn” trong thực hiện chuyển đổi số, bên cạnh các giải pháp xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh; tập trung phát triển hạ tầng số; tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin,... tỉnh Tuyên Quang cũng đặc biệt quan tâm đến yếu tố nhân lực số.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: xác định công cuộc chuyển đổi số của tỉnh “đi sau” nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng” rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác. Để làm được điều này, tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực số, bởi đây là những “người lái con tàu” chuyển đổi số đi đến bến bờ. Do đó, tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương. Các huyện, thành phố xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp...