Vun bồi lòng biết ơn qua lễ tri ân
Đã có những giọt nước mắt của sự thấu hiểu, tình yêu thương và lòng tri ân sâu sắc lặng lẽ rơi trên gương mặt của học sinh, phụ huynh và cả thầy, cô giáo ở các lễ tri ân và trưởng thành những ngày qua.

Ảnh minh họa INT.
Hình ảnh xúc cảm này cho thấy lòng biết ơn không chỉ tồn tại với những gì to tát mà ngay cả trong điều giản dị thường nhật, và các nhà trường đang nỗ lực vun đắp.
Bên cạnh những bài học lý thuyết trong sách Đạo đức, Giáo dục công dân, thời gian qua, các trường học tích hợp giáo dục lòng biết ơn qua nhiều môn học, thông qua hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương, giáo dục kỹ năng…
Những buổi lễ khai giảng đầy xúc động với các hoạt động kết nối yêu thương, như con và cha mẹ rửa chân cho nhau, tiệc trà biết ơn, tọa đàm biết ơn; lễ tri ân trưởng thành con gửi đến mẹ cha những món quà tự làm và dòng thư tay ấm áp; buổi chăm chút quét dọn, nhổ cỏ nghĩa trang liệt sĩ và đắm mình trong hương nhang trước di ảnh những liệt sĩ tuổi đôi mươi; những chuyến thăm Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và đau đáu cùng Người về tình yêu gia đình, đất nước… Tất cả đã hiện thực hóa bài học ý nghĩa, và cứ thế nhà trường gieo những hạt mầm của lòng biết ơn, nuôi dưỡng đạo đức, giúp các em trân trọng những gì đang có.
Dù các nhà trường đã nỗ lực nhưng thực tế còn một số học sinh chưa thấm bài học về lòng biết ơn. Trên nhiều diễn đàn, các phương tiện truyền thông đã cảnh báo và đưa nhiều minh chứng về sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm gây bức xúc trong không ít học sinh, sinh viên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như: Việc giáo dục lòng biết ơn trong nhà trường có nơi chưa thật hiệu quả, còn hình thức, giá trị nêu gương chưa cao… Ở gia đình, một số bậc cha mẹ chiều chuộng con quá mức, đáp ứng mọi yêu cầu, khiến trẻ dần trở nên ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi mà thiếu sự quan tâm, biết ơn người khác. Ngoài xã hội cũng rộ lên lối sống hưởng thụ, vô cảm. Lối sống lệch lạc đang xâm lấn mạnh vào nhà trường khiến các em thiếu đi sự sẻ chia, thấu cảm.
Là thuộc tính cá nhân quan trọng, giúp hình thành, phát triển toàn diện nhân cách, với người Việt Nam, lòng biết ơn còn là nền tảng giáo dục mang tính truyền thống, khởi nguồn cho mọi đức tính tốt đẹp khác.
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là những đạo lý luôn được nhắc nhớ, răn dạy thế hệ trẻ để hình thành lối sống tử tế, nhân văn. Trong thời đại ngày nay, nếu thiếu lòng biết ơn người trẻ dễ lạc lối, vấp ngã, khó có được hạnh phúc, xa hơn sẽ hạn chế sự đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội. Vì thế không chỉ bồi dưỡng nhân cách, giáo dục lòng biết ơn còn là giáo dục kỹ năng sống.
Để hình thành nên thế hệ trẻ biết sống yêu thương, nhân hậu, trân trọng những gì đang có, việc giáo dục lòng biết ơn đòi hỏi các nhà trường phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, không phải chỉ qua một, hai lễ tri ân trưởng thành. Đặc biệt, gia đình - nhà trường - xã hội là môi trường để các em hình thành, phát triển nhân cách, trong đó có lòng biết ơn. Vì thế bên cạnh nỗ lực của thầy cô, rất cần sự chung tay tích cực, trách nhiệm của cả gia đình và xã hội, để hạt mầm biết ơn đâm chồi nảy lộc.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vun-boi-long-biet-on-qua-le-tri-an-post732216.html