Tuyển sinh Đại học năm 2020: Không giới hạn nguyện vọng và cân nhắc về điểm đầu vào ngành chất lượng cao
Theo Dự thảo Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục mầm non năm 2020, vẫn giữ nguyên quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng như năm 2019. Tuy nhiên, điểm đầu vào của những ngành chất lượng cao cũng đang được bàn kỹ lại sao cho hợp lý.
Dự thảo Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục mầm non năm 2020 do Bộ GD&ĐT mới công bố dự kiến vẫn giữ nguyên quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng như năm 2019.
Tuy nhiên, thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp đến khi hết số nguyện vọng muốn đăng ký, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Trong đợt xét tuyển lần 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều trường, ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Vậy có thể lọc ảo cho các trường hay không? Thực tế là năm 2019, công tác tuyển sinh với phầm mềm tuyển sinh và hỗ trợ lọc ảo đã hiệu quả. Các trường cũng tuyển sinh theo nhóm lớn để giải quyết bài toán thí sinh ảo. Vì thế, công tác tuyển sinh 2019 thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, công tác tuyển sinh năm 2019 được đánh giá là thành công trên nhiều phương diện. Quy chế, quy trình tuyển sinh được hoàn thiện, công nghệ thông tin được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu tuyển sinh đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Việc tuyển sinh đảm bảo quyền tự chủ của trường theo đúng quy định của pháp luật, minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh và kết quả tuyển sinh. Suốt quá trình thực hiện xét tuyển, Ban chỉ đạo quốc gia và các trường, nhóm trường đã có sự phối hợp chặt chẽ, nên quy trình xét tuyển ổn định.
Năm 2019, phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp trường thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động tuyển sinh. Hệ thống này hoạt động ổn định, không có hiện tượng nghẽn mạng.
Như vậy, trong các năm 2018, 2019, có cá biệt một, hai trường hợp thí sinh đăng ký đến 48 và 50 nguyện vọng, nhưng công tác tuyển sinh của các trường vẫn đảm bảo yêu cầu của đào tạo. Theo số liệu thống kê vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra trong báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020: Tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2019 bằng các phương thức xét tuyển đạt 77,7%. Trong đó, có gần 50% số trường đạt trên trên 70%, có 66,2% số trường đạt trên 50% chỉ tiêu.
Một vấn đề khác cũng đang được quan tâm, góp ý tại Dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2020 là: Tại khoản1 Điều 16 trong Dự thảo quy định điểm trúng tuyển chương trình chất lượng cao phải bằng hoặc cao hơn trúng tuyển chương trình chuẩn cùng ngành. Điều này đã nhận được ý kiến trái chiều từ các cơ sở giáo dục ĐH.
Nhiều ý kiến cho rằng: Ngưỡng đảm bảo chất lượng của chương trình chất lượng cao bằng hoặc cao hơn chương trình đại trà thì quá tốt, rất hợp lý. Nhưng điểm trúng tuyển lại phụ thuộc vào số lượng hồ sơ nộp vào. Vì chương trình này có chỉ tiêu riêng, phương thức xét tuyển riêng, dẫn đến điểm trúng tuyển phương thức đó khác nhau.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng: Các chương trình chất lượng cao là chương trình dịch vụ chất lượng cao, điều kiện, phương pháp và học phí khác so với chương trình đại trà. Số đăng ký nhiều thì điểm chuẩn cao, ít thì điểm thấp. Vì học phí cao, ít thí sinh đăng ký nên điểm chuẩn thấp hơn hệ đại trà chứ không phải chất lượng thấp.
Nhiều năm qua, song song với chương trình đại trà, chúng ta nghe nói nhiều đến chương trình chất lượng cao. Tại nhiều trường ĐH, điểm chuẩn đầu vào của chương trình chất lượng cao đôi khi thấp hơn chương trình đại trà gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Điểm nổi bật nhất của chương trình chất lượng cao là chú trọng kỹ năng ngoại ngữ. Chương trình đào tạo của chất lượng được bổ sung từ giáo trình của nước ngoài nên việc thuần thục tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc cho sinh viên khi tốt nghiệp, có nơi đòi hỏi phải đạt Ielts 4.5 – 5.5 đầu ra.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) khẳng định, gọi chương trình chất lượng cao theo các trường như vậy không đúng vì những thí sinh không đỗ đại trà nhưng lại đỗ chất lượng cao. Do đó, phải gọi đó là chương trình dịch vụ chất lượng cao mới đúng.