Tuyển sinh đào tạo nghề năm 2020: Nhiều khả quan
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN- Bộ LĐ-TBXH), từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ sở GDNN của cả nước tuyển sinh đạt hơn 1,94 triệu người, bằng 86% so với kế hoạch cả năm 2020. Những năm gần đây, tuyển sinh đào tạo nghề đang có những tín hiệu khả quan.
Tuy nhiên, thay đổi về chất lượng đào tạo và đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động vẫn là vấn đề cấp thiết mà các cơ sở nghề phải thực hiện để đảm bảo nguồn tuyển sinh lâu dài.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN- Bộ LĐ-TB&XH), năm 2020, tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ đạt 520.000 người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và thường xuyên đạt hơn 1,42 triệu người. Những ngành, nghề được nhiều người lựa chọn theo học là kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật cơ khí, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, quản trị mạng, quản trị nhà hàng - khách sạn...
Tổng cục GDNN cho biết, hiện nay chương trình đào tạo song hành giữa học văn hóa và học nghề dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS (hệ 9 năm) đang được các cơ sở GDNN, các địa phương quan tâm mở rộng, phát triển.
Đánh giá về thị trường lao động hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân thẳng thắn cho rằng: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khu vực thông qua việc ký kết các hiệp định FTA thế hệ mới. Nhu cầu về lao động có sự thay đổi rõ ràng: Lao động tri thức, có kỹ năng hay chất lượng cao sẽ thay thế cho lao động phổ thông giá rẻ, năng suất thấp.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, tỉ lệ lao động qua đào tạo quá thấp (21,9% năm 2018), tỉ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật cao và cơ cấu trình độ lao động còn bất hợp lý.
“Bài toán nguồn nhân lực có kỹ năng đang đặt ra với cả thế giới và Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động tới các mặt kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, việc định hướng GDNN đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN có vai trò quan trọng. Tổng cục GDNN cần coi thị trường lao động là thước đo để tính toán định hướng phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030. Trước tiên là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước”, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Về xu hướng chọn trường nghề thay vì ĐH, TS Hoàng Ngọc Vinh nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng : Tôi nhìn thấy đang có chiều hướng thay đổi. Nhiều người đã thực tế hơn khi cho con vào các cơ sở GDNN học nghề, sớm ra trường có việc làm và thu nhập.
Khi xã hội chớm đặt lòng tin vào GDNN, các trường rất nỗ lực quảng bá hình ảnh của nhà trường và nâng cao chất lượng gắn đào tạo với DN thì sức hút sẽ gia tăng.
Tính đến năm 2019, cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Việc sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo rất quan trọng, tránh đầu tư dàn trải, nhưng vẫn có những trường hoạt động không hiệu quả, không có người học.
Song song với đó, chất lượng của GDNN cũng phải được đổi mới, hiệu quả hơn. GS-TS Cao Văn Sâm, Phó Chủ tịch HH GDNN và Nghề CTXH Việt Nam cho rằng: Về phương pháp giảng dạy cần áp dụng, đẩy mạnh phương pháp đào tạo theo năng lực thực hiện có kết hợp với các phương pháp dạy nghề truyền thống còn hiệu quả; chương trình đào tạo đã được thiết kế chủ yếu theo tích lũy môđun, tín chỉ, do đó cần khuyến khích, đẩy mạnh xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo có khả năng giảng dạy tích hợp.
Nhà giáo cần đáp ứng về trình độ đào tạo, năng lực sư phạm, đặc biệt kỹ năng nghề; đối với giáo viên dạy các nghề tiếp cận trình độ khu vực, quốc tế cần phải có năng lực tương thích với năng lực nhà giáo của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới để đào tạo được học sinh, sinh viên cùng trình độ, cùng mặt bằng chất lượng.
Để thực hiện triết lý trên việc đào tạo, bồi dưỡng GVDN cần đáp ứng tình hình mới phải: đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo, bảo đảm chất lượng ở các trình độ khác nhau.
Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên, giảng viên trường ĐH Thương mại nêu quan điểm: Những năm gần đây, GDNN được quan tâm, đầu tư hơn, cơ hội việc làm của học sinh theo học các hệ đào tạo nghề cũng cao hơn, nên có thể nhận thấy, các em đã rất mạnh dạn chọn học nghề. Nhưng nhìn nhận vào thị trường hiện nay thì có những ngành luôn thiếu lao động: Đó là những ngành nghề phục vụ sự phát triển của công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo, CNTT, điện tử…, những ngành phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống: Ăn uống – du lịch – khách sạn, sức khỏe… Nên cá nhân tôi cho rằng, đào tạo nghề có rất nhiều cơ hội và triển vọng phía trước, nhưng chất lượng đào tạo, cơ hội kết nối thị trường lao động phải được cải thiện hơn nữa, thì “đầu vào” của đào tạo nghề mới thực sự bền vững.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tuyen-sinh-dao-tao-nghe-nam-2020-nhieu-kha-quan-219898.html