Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động

Năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) 67.500 người; tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 92,5%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 32%. Để đạt mục tiêu đề ra, các cơ sở GDNN đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Giờ học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ)

Giờ học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ)

Đồng chí Vũ Đức Thỏa, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và hợp tác doanh nghiệp (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên) cho biết: Thời gian qua, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, hoạt động hiệu quả kéo theo đó là nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Nhiều học sinh sau tốt nghiệp THPT, THCS đã lựa chọn tham gia học nghề tại các cơ sở GDNN để có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp việc tuyển sinh GDNN của trường thuận lợi hơn. Cùng với đó, trường thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyển sinh GDNN như: Đẩy mạnh tuyên truyền trực tuyến qua các nền tảng website, mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đưa các tổ công tác tuyển sinh trực tiếp đến các địa phương, cơ sở giáo dục để tư vấn tuyển sinh; tổ chức cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam… tham quan tại trường. Năm 2024, trường có kế hoạch tuyển sinh 90 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 390 chỉ tiêu hệ trung cấp và 200 chỉ tiêu đào tạo thường xuyên GDNN. Đến thời điểm này, trường cơ bản tuyển sinh đủ số chỉ tiêu đào tạo thường xuyên, trung cấp theo kế hoạch.

Em Nguyễn Quốc Đạt ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Theo khả năng và nhu cầu của bản thân nên sau khi hoàn thành chương trình học THCS, em đã đăng ký và nộp hồ sơ học nghề chăn nuôi – thú y trình độ trung cấp ở Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Tô Hiệu. Học song song 2 chương trình THPT và trung cấp gắn với thực hành, sau khi ra trường, em có 2 tấm bằng, có thể đi làm ngay hoặc học tiếp lên hệ cao đẳng.

Năm 2024, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên có kế hoạch tuyển sinh trên 1.000 chỉ tiêu đào tạo hệ cao đẳng và hệ trung cấp. Vì vậy, ngay từ đầu năm, trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác tuyển sinh và triển khai nghiêm túc theo kế hoạch. Công tác truyền thông tư vấn, hướng nghiệp được đổi mới, tăng cường.

Đồng chí Nguyễn Khắc Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên cho biết: Để thu hút người học, trường chú trọng khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường lao động, xu hướng nghề nghiệp… để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo; bổ sung thêm các ngành, nghề phù hợp với nhu cầu thực tế; liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm… bảo đảm số học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt tỉ lệ cao.

Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên tư vấn tuyển sinh

Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên tư vấn tuyển sinh

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Trước yêu cầu của thị trường lao động, các cơ sở GDNN trong tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tế. Cùng với đó, chủ động dự báo, cập nhật dữ liệu về lao động qua đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ, làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh học nghề phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động, quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 100% cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Các cơ sở GDNN thường xuyên phối hợp tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng tuyển sinh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tư vấn, tuyển dụng lao động… 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh tuyển sinh GDNN được khoảng 26.000 người, đạt 38,5% kế hoạch. Hiện nay, các cơ sở GDNN đang trong đợt cao điểm tuyển sinh GDNN với quyết tâm đạt chỉ tiêu đề ra.

Đồng chí Nguyễn Phúc Hiến, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, tỉnh có 26 cơ sở GDNN; 8 trường cao đẳng, trường trung cấp thuộc tỉnh ngoài đang thực hiện liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh. Quy mô đào tạo giáo dục nghề nghiệp trên 60.000 người/năm ở các cấp trình độ. Các cơ sở GDNN chuyển từ đào tạo theo kế hoạch sang đào tạo theo nhu cầu người học và doanh nghiệp, phát huy tối đa năng lực cơ sở GDNN. Do đó, công tác GDNN có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn nhân lực qua đào tạo nghề phần nào đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo; đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong GDNN. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN theo quy định để phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Cùng với đó, các cơ sở GDNN cần chủ động mở rộng cơ sở vật chất, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị đào tạo; bổ sung, mở các ngành, nghề có nhu cầu tuyển dụng cao; đổi mới chương trình, giáo trình và phương thức đào tạo, bảo đảm "học đi đôi với hành”… để thu hút người học.

Thu Yến

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tuyen-sinh-giao-duc-nghe-nghiep-phu-hop-voi-nhu-cau-cua-thi-truong-lao-dong-3175109.html