Tuyển sinh lớp 10 năm sau thí sinh hết thời học tủ, đề Ngữ văn thực hiện ra sao?

Sự thay đổi cấu trúc, hình thức, ngữ liệu của đề thi môn Ngữ văn kể từ năm học tới trong kỳ thi tuyển sinh 10 sẽ không hề đơn giản cho cả thầy và trò.

Theo dõi đề Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 nhiều năm qua, người viết - một giáo viên Ngữ văn bậc trung học cơ sở - nhận thấy chỉ có đề của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có cấu trúc hơi khác hơn một chút khi có một số câu hỏi mở rộng, còn lại đa phần các địa phương có cấu trúc đề tương đối giống nhau.

Đó là ngữ liệu của phần đọc hiểu thường lấy ở ngoài sách giáo khoa nhưng các câu hỏi thì luôn bám vào kiến thức sách giáo khoa; phần nghị luận văn học sẽ là phân tích, cảm nhận một nhân vật văn học, một đoạn trích hoặc một bài thơ, đoạn thơ Việt Nam có trong chương trình ngữ văn lớp 9.

Trong khi đó, chương trình chính khóa của môn Ngữ văn 9 những năm qua đang thực hiện giảm tải theo Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH nên còn hơn mười tác phẩm, đoạn trích văn học Việt Nam. Giáo viên khi ôn thi, luyện thi cho học trò sẽ làm phương án loại trừ những bài ít có khả năng ra, những bài mới thi những năm vừa qua.

Vì thế, tình trạng ôn tủ, thuộc văn mẫu khá phổ biến đối với học sinh khi ôn thi tuyển sinh 10. Nhưng, kỳ thi năm nay đã là kỳ thi cuối cùng mà học sinh có thể “tủ đề”. Từ kỳ thi sang năm, việc thi môn Ngữ văn đã hoàn toàn khác. Mọi chuyện có lẽ khó khăn hơn nhiều khi tất cả ngữ liệu của phần đọc hiểu và phần viết (làm văn) đều được yêu cầu lấy ở ngoài sách giáo khoa.

 Ảnh minh họa: Linh An

Ảnh minh họa: Linh An

Kỳ thi tuyển sinh 10 từ năm sau sẽ hoàn toàn khác

Năm học 2023-2024 vừa qua là năm học cuối cùng của chương trình 2006- chương trình lấy kiến thức sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kĩ năng làm “pháp lệnh” khi ra đề. Nghĩa là khi ra đề thi, các nội dung kiến thức phải bám vào sách giáo khoa mà học sinh đã học. Đề thi, phần nhiều là tái hiện kiến thức.

Chính vì thế, đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 của đa phần các địa phương đều na ná như nhau và thực tế nhiều học sinh đã vui mừng sau khi thi xong vì những em này đã “trúng tủ”.

Nhưng, từ năm học 2024-2025 tới đây, học sinh lớp 9 sẽ học chương trình 2018 với 3 bộ sách giáo khoa Ngữ văn khác nhau (Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống”. Chương trình 2018 xem sách giáo khoa là học liệu, chương trình mới là “pháp lệnh”.

Mục tiêu của chương trình 2018 hướng tới phát huy phẩm chất năng lực cho người học chứ không đơn thuần là tái hiện kiến thức bằng những câu hỏi quen thuộc được lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác.

Đặc biệt, ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Trong đó, đã hướng dẫn đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn như sau: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật”.

Chính vì thế, trong mấy năm học vừa qua, những lớp đã dạy và học chương trình 2018 (lớp 6, 7, 8) không còn lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa làm đề kiểm tra ở phần đọc hiểu và phần viết (làm văn).

Năm học tới sẽ triển khai chương trình 2018 ở lớp 9- lớp cuối cùng của cấp trung học cơ sở và nếu không có gì thay đổi thì các trường, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH trong kiểm tra và sẽ áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh 10.

Việc áp dụng Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH cho kỳ thi tuyển sinh 10 sẽ triệt tiêu văn mẫu và tránh được tình trạng “tủ đề” của các thí sinh. Nhưng, nhiều khó khăn cũng đặt ra cho học sinh từ kỳ thi tuyển sinh 10 từ năm học tới đây.

Còn những băn khoăn trong các kỳ thi tới đây

Ngay từ bây giờ, nhiều thầy cô đang dạy Ngữ văn lớp 9 đã bắt đầu băn khoăn, lo lắng cho việc giảng dạy và ôn thi tuyển sinh 10 cho năm học sau. Những băn khoăn, lo lắng của giáo viên là hoàn toàn có cơ sở.

Thứ nhất: cấu trúc đề kiểm tra môn Ngữ văn đối với những lớp đang thực hiện chương trình 2018 hiện nay đang rất khác nhau giữa các địa phương. Có nơi thì thực hiện trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận; có nơi thì tự luận hoàn toàn.

Có địa phương, cấp trung học cơ sở thì thực hiện trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận nhưng cấp trung học phổ thông lại thực hiện tự luận hoàn toàn.

Trong khi, Bộ chỉ thông tin là đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bắt đầu từ năm 2025 sẽ thực hiện tự luận hoàn toàn. Riêng cấp trung học cơ sở vẫn đang mạnh địa phương nào, địa phương nấy làm, chưa có sự thống nhất chung.

Thứ hai: đến thời điểm này, giáo viên dạy môn Ngữ văn cũng chưa thấy có văn bản nào định hướng, chỉ đạo cụ thể về đề thi tuyển sinh 10 đối với môn Ngữ văn khi áp dụng chương trình 2018. Cấu trúc đề ra sao, lượng kiến thức trong đề thi sẽ thực hiện như thế nào.

Phần nghị luận sẽ ra vào bản thông tin, nghị luận, tác phẩm văn học…và ra như thế nào? Nếu phần nghị luận văn học ra vào một tác phẩm thơ có độ dài, độ khó tương đương với thể loại trong sách giáo khoa thì giáo viên sẽ căn cứ vào mục tiêu bài học để hướng dẫn học trò. Nhưng, nếu ra vào một tác phẩm truyện sẽ thực hiện ra sao?

Nếu đề lấy ngữ liệu cả một truyện ngắn hoàn toàn mới lạ thì đề thi quá dài, học sinh đọc không kịp vì thời gian thi chỉ 120 phút. Nếu lấy một đoạn trích trong một truyện nào đó thì học sinh khó nắm bắt được chủ đề, tư tưởng và diễn biến của cốt truyện, nhân vật…

Vì thế, sự thay đổi cấu trúc, hình thức, ngữ liệu của đề thi môn Ngữ văn kể từ năm học tới trong kỳ thi tuyển sinh 10 sẽ không hề đơn giản cho cả thầy và trò.

Thứ ba: mục tiêu của chương trình 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Mục tiêu hay, tiến bộ nhưng trong thực tế sẽ có bao nhiêu % học sinh có thể làm tốt mục tiêu này?

Cứ nhìn chương trình 2006 đã thực hiện gần 20 năm qua và chỉ có 1 bộ sách giáo khoa duy nhất, những tác phẩm văn học cố định nhưng điểm thi tuyển sinh 10 môn Ngữ của các địa phương trong những năm qua cũng không phải là cao. Điểm chuẩn của nhiều trường trên cả nước chỉ dao động ở mức 3-4 điểm/ môn (tính hệ số 1).

Ngay cả kỳ thi tuyển sinh 10 năm nay, kỳ thi cuối cùng của chương trình 2006, bản thân người viết đã tham gia chấm thi môn Ngữ văn và chứng kiến rất nhiều thí sinh không làm được bài. Tình trạng thí sinh đạt điểm 0 môn Ngữ văn không hiếm ở các phòng chấm thi. Trong khi, ngữ liệu kỳ thi năm nay được học, được ôn đi, ôn lại nhiều lần.

Từ kỳ thi năm sau, ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa, các thí sinh sẽ thực hiện làm bài ra sao? Có em phát huy được phẩm chất năng lực nhưng chắc chắn nhiều em sẽ hoàn toàn xa lạ với những tác phẩm, ngữ liệu mới toanh, lạ hoắc trong đề thi.

Thiết nghĩ, đến thời điểm này, bộ phận chuyên môn của Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nên có những định hướng, gợi ý cho kỳ thi tuyển sinh 10 năm 2025 để giáo viên ở cơ sở định hình và chuẩn bị tâm thế cho kỳ thi đầu tiên của chương trình 2018 được tốt nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tuyen-sinh-lop-10-nam-sau-thi-sinh-het-thoi-hoc-tu-de-ngu-van-thuc-hien-ra-sao-post243405.gd