Tuyển sinh lớp 10: Những tiêu chí cần xem xét để chọn trường phù hợp
Các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra những tiêu chí để phụ huynh xem xét, cân nhắc lựa chọn trường học phù hợp với con em mình.
Tại tọa đàm “Chọn trường cho con - một khởi đầu đúng, cả hành trình an tâm” do Trường THPT Trí Đức tổ chức chiều 11/5, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, vào THPT là một giai đoạn rất quan trọng khi trẻ bắt đầu hình thành tính cách, nhân cách. Ngôi trường theo học sẽ là nền tảng giúp trẻ có thể khai phá và hiểu hơn về bản thân, rèn một số kỹ năng để cần thiết để xác định ngành nghề phù hợp trong tương lai..
Theo ông Nam, thực tế, việc chọn trường học phù hợp cho con là vấn đề “đau đầu” của rất nhiều phụ huynh.
“Trẻ có 3 ‘người thầy’, đầu tiên là cha mẹ, thứ hai là thầy cô và thứ ba là môi trường giáo dục. Môi trường nhà trường nếu được quản lý đầy đủ, có cơ hội để các em rèn các năng lực, phẩm chất toàn diện thì xứng đáng để phụ huynh lựa chọn”, ông Nam nói.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm “Chọn trường cho con". Ảnh: Thanh Hùng
Bà Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức cho hay, trong số các băn khoăn, lo lắng của phụ huynh khi tìm hiểu về trường THPT thì nhiều nhất có lẽ là về môi trường giáo dục của trường.
“Môi trường giáo dục không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ giữa thầy và trò mà còn nhiều điều khác nữa. Ở độ tuổi này, các em thường thích và muốn chứng tỏ khả năng, song lại chưa được định hướng rõ ràng hoặc chưa có suy nghĩ chín chắn và dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoại cảnh. Vì vậy, môi trường giáo dục rất quan trọng để giúp các em có những định hướng rõ ràng, đúng đắn”, bà Hiên nói.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để lựa chọn trường phù hợp, phụ huynh nên theo một số tiêu chí. Thứ nhất, cần tìm hiểu về triết lý giáo dục của ngôi trường đó và việc thực hiện ra sao. “Triết lý quan trọng hơn cơ sở vật chất của một ngôi trường. Tất nhiên, cơ sở vật chất cũng phải đủ điều kiện để thực hiện và vận hành triết lý đó. Ví dụ triết lý của trường là hướng cho trẻ nhiều hoạt động trải nghiệm, dự án thì không gian, cơ sở vật chất phải đủ để các em thực hiện được các hoạt động đó”, ông Nam nói.
Thứ hai là nét văn hóa, mối quan hệ giữa thầy cô và trò, được phản ánh qua văn hóa nhà trường hay trong những tình huống, hành vi ứng xử trong trường. Thứ ba là chương trình giáo dục của trường. “Phụ huynh cần tìm hiểu xem chương trình giáo dục của trường hướng đến cho số đông hay cá nhân hóa, từng nhóm. Ví dụ chương trình của trường theo đúng chuẩn chung của Bộ GD-ĐT hay theo hướng thiết kế có thể nuôi dưỡng những tiềm năng của con mình về nghệ thuật, thể thao...”, ông Nam nói.
Cuối cùng cần xem chương trình giáo dục của trường có khả năng mang đến những kỹ năng mà phụ huynh mong mỏi trang bị cho con em mình, phù hợp với công dân trong thế kỷ 21 hay không. “Theo kinh nghiệm của tôi, phụ huynh thường quan tâm đến các nhóm kỹ năng: kỷ luật bản thân; tổ chức; thuyết phục và làm việc nhóm; năng lực sử dụng công nghệ... Phụ huynh cần lựa chọn môi trường nào mà cảm thấy có thể rèn cho con mình những năng lực như vậy thì kể cả sau này chọn bất cứ ngành gì, con vẫn có cơ hội thành công cao hơn”, ông Nam nói.

Bà Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức chia sẻ tại tọa đàm "Chọn trường cho con". Ảnh: Thanh Hùng
Trước băn khoăn của phụ huynh về việc nên chọn trường theo sở thích của con hay theo mong muốn, nguyện vọng của bố mẹ, ông Nam cho hay: “Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần tìm cách chuyển tải những điều mình mong muốn thành sự thông hiểu con, rằng mục đích muốn hình thành những năng lực tốt cho con về sau. Điều tốt nhất là để cuối cùng, con tự nói ra lựa chọn trường nào sau khi được trải nghiệm, dưới sự hướng dẫn và giải thích, thay vì bố mẹ là người ra quyết định. Bởi chúng ta đều hiểu rằng khi người khác ra quyết định mà bản thân chỉ là người làm theo thì thường có tâm lý 'đổ lỗi' khi có vấn đề không thuận lợi xảy ra sau này”.
Bà Chu Thị Hiên nhấn mạnh, kể cả khi đã chọn trường, vai trò phụ huynh đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục con vẫn luôn rất quan trọng. “Sự đồng hành, phối hợp đó sẽ giúp học sinh thực hiện theo đúng kế hoạch và đạt mục tiêu giáo dục”, bà Hiên nói.