Tuyển sinh vào lớp 10: Phụ huynh lựa trường tư, giảm áp lực cho con

Nếu chọn trường công khó khăn nhất là 'cân' điểm đầu vào thì việc chọn trường tư thục lại đau đầu với các phụ huynh vì các trường có những đặc thù khác nhau trong định hướng đào tạo và chi phí.

Học sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Học sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Để giảm áp lực cho con, nhiều phụ huynh đã chọn đăng ký thêm trường ngoài công lập. Tuy nhiên, chọn trường nào cũng là vấn đề "cân não."

Sẵn sàng hai phương án

Năm nay, dù chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của Thủ đô đã tăng 3% so với năm trước cũng chỉ chiếm 64%, theo đó còn khoảng 48.000 học sinh sẽ trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập và phải chuyển sang khối trường tư thục hoặc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.

Tổng chỉ tiêu của 77 trường trung học phổ thông tư thục đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao tuyển sinh lớp 10 là 27.919 học sinh với 635 lớp. Các trường có hai hình thức tuyển sinh gồm xét tuyển theo học bạ bậc trung học cơ sở và theo điểm kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố. Trong số này có 30 trường không sử dụng kết quả thi vào lớp 10. Theo quy định, thời hạn đăng ký xét tuyển vào các trường trung học phổ thông tư thục trên địa bàn thành phố bắt đầu từ 21/4 hết ngày 26/6.

Có con gái năm nay dự thi vào lớp 10, anh Nguyễn Trung Kiên (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay từ đầu năm lớp 9, cả nhà đã “cân não” chọn trường. Con có sức học khá tốt nên định hướng ban đầu của gia đình là Trường Trung học phổ thông Thăng Long. Tuy nhiên trường có điểm đầu vào cũng tương đối cao nên để con bớt áp lực và đi học gần nhà hơn, phương án được chọn là Trường Trung học phổ thông Trương Định.

“Đây là trường thuộc tốp trung nên tôi khá tin tưởng vào khả năng đỗ của con. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định đăng ký thêm Trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu để con có thể thoải mái hơn, giảm bớt căng thẳng trong quá trình ôn thi. Nếu không đỗ nguyện vọng 1 thì con sẽ học trường tư thục,” anh Kiên chia sẻ.

Cũng theo anh Kiên, nếu chọn trường công khó khăn nhất là "cân" điểm đầu vào thì việc chọn trường tư thục lại đau đầu với các phụ huynh vì các trường có những đặc thù khác nhau trong định hướng đào tạo và chi phí.

Đây cũng là lý do chị Nguyễn Thị Hương (Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa chốt được trường tư thục cho con. “Tôi muốn đăng ký một trường ngoài công lập để con giảm áp lực trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, nhưng vẫn phân vân chưa biết nên đăng ký trường nào,” chị Hương nói.

Tại Hà Nội có hàng chục trường trung học phổ thông tư thục với nhiều đặc điểm khác nhau. Có trường học theo định hướng chương trình quốc tế, có trường phải thi tuyển đầu vào, trường chỉ học nửa ngày như các trường công lập nhưng có trường theo mô hình bán trú, thậm chí có trường học sinh ở nội trú hoàn toàn, chỉ về nhà vào cuối tuần. Mức học phí vì thế cũng khác nhau, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi tháng.

 Học sinh Hà Nội ôn thi vào lớp 10. (Ảnh: TTXVN).

Học sinh Hà Nội ôn thi vào lớp 10. (Ảnh: TTXVN).

Nên chọn trường nào?

Nên chọn trường nào là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra. Tại buổi tọa đàm “Chọn trường cho con: Một khởi đầu đúng, cả hành trình an tâm” vừa được Trường Trung học phổ thông Trí Đức (Hà Nội) tổ chức chiều ngày 11/5, bà Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trí Đức cho rằng bậc trung học phổ thông là giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách, phát triển năng lực cho học sinh. Vì vậy, việc chọn trường phù hợp với các em là vô cùng quan trọng.

 Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ tại sự kiện này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay xu hướng chọn trường trung học phổ thông của nhiều phụ huynh là dựa vào danh tiếng, vị trí xếp hạng, số lượng học sinh đỗ đại học vào các trường tốp đầu… Điều này cũng quan trọng và là yếu tố định lượng nên dễ nhận diện. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần quan tâm đến các yếu tố khác như triết lý giáo dục của trường, cách vận hành để thực hiện triết lý đó, văn hóa nhà trường…

“Điều quan trọng nhất để chọn trường cho con là mục tiêu hướng đến của các phụ huynh. Nhiều phụ huynh có mục tiêu hướng tới là con phải thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng, có nhiều thành tích nhưng với một số phụ huynh khác lại là niềm vui, hạnh phúc, sự trưởng thành của con. Với mỗi mục đích khác nhau, tiêu chí chọn trường khác nhau. Nếu chọn niềm vui, đó phải là ngôi trường có nhiều hoạt động trải nghiệm, quan tâm đến đời sống tinh thần của học sinh…,” ông Nam nói.

Chia sẻ trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc nên chọn trường theo sở thích của con hay theo mong muốn của bố mẹ, Phó giáo sư Trần Thành Nam cho rằng cách tốt nhất là để con tự quyết định chọn trường. “Tất nhiên, học sinh thường thích sự thoải mái trong khi phụ huynh với những trải nghiệm cá nhân có thể có quan điểm khác. Điều quan trọng là bố mẹ cần khéo léo phân tích, thuyết phục, hướng dẫn để con hiểu nên chọn trường nào. Việc bị bố mẹ áp đặt dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực và con có tư duy đổ lỗi nếu trong quá trình học gặp khó khăn,” ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, trên hành trình học tập, thi cử của con, bố mẹ nên đồng hành, ghi nhận, động viên, khích lệ với từng thành công nhỏ, để con thấy những nỗ lực của mình là đáng giá. Phụ huynh không chỉ vui với những thành công mà còn nên vui với mỗi thất bại của con, để con thấy thất bại là bình thường, biết chấp nhận thất bại và rút kinh nghiệm từ những thất bại đó để không lặp lại.

Ông Nam cũng cho rằng về phía các nhà trường nên tạo cơ hội để học sinh, phụ huynh có điều kiện tìm hiểu môi trường học tập, định hướng giáo dục, đặc biệt với các trường mô hình, định hướng giáo dục, cách quản lý đặc thù./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tuyen-sinh-vao-lop-10-phu-huynh-lua-truong-tu-giam-ap-luc-cho-con-post1037999.vnp