Tuyển sinh ngành sư phạm có tổ hợp 'lạ': Cần rà soát để đảm bảo chất lượng GV

Không học đủ 3 môn Lý-Hóa-Sinh, SV có nguy cơ thiếu hụt kiến thức nền tảng cần thiết, gặp khó trong học tập; chất lượng đào tạo GV tích hợp có thể bị ảnh hưởng.

Đào tạo giáo viên phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông và xây dựng tổ hợp phù hợp

Vừa qua, nhiều trường đại học đưa ra tổ hợp xét tuyển “lạ” để xét tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, khiến nhiều chuyên gia giáo dục không khỏi băn khoăn về chất lượng tuyển sinh và đào tạo.

Chẳng hạn, có những trường sử dụng cả tổ hợp như: A01 (Toán, Lý, Anh); A03 (Toán, Lý, Sử); B08 (Toán, Sinh, Anh); D07 (Toán, Hóa, Anh); C01 (Văn, Toán, Lý); C02 (Văn, Toán, Hóa); D01 (Toán, Văn, Anh)... để xét tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên.

Trong khi đó, giáo viên môn Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở sẽ dạy các kiến thức của Lý, Hóa, Sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề cập: “Đối với các ngành đào tạo giáo viên, việc xây dựng các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển như thế nào và đào tạo ra sao… đều liên quan mật thiết đến việc sinh viên sau khi ra trường sẽ trở thành giáo viên dạy môn gì, chất lượng ra sao.

Vì vậy, việc đào tạo giáo viên phải thực sự bám sát vào chương trình giáo dục phổ thông 2018, để lựa chọn các tổ hợp phù hợp. Bởi, nếu không bám sát chương trình, rất khó đào tạo đáp ứng yêu cầu công việc sau khi ra trường.

Theo đó, việc đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên cũng phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, tức là đảm bảo giáo viên dạy được môn Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở.

Tương tự, trong toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018, có những môn học như thế nào, thì các cơ sở đào tạo giáo viên trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, tổ hợp xét tuyển, cũng phải thực sự chú ý đến vấn đề đó. Điều này chắc chắn khác với theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, khi giáo viên chỉ dạy đơn môn; còn hiện nay, theo chương trình hiện hành, một số môn tích hợp cần có giáo viên tích hợp giảng dạy”.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Về một số tổ hợp có môn Ngữ văn được đưa ra để xét tuyển vào ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, nữ đại biểu cho rằng: “Mặc dù, môn Văn rất cần đối với mỗi người học, rèn luyện khả năng diễn đạt, truyền đạt và bổ trợ khá nhiều về khả năng sư phạm…

Tuy nhiên, để đào tạo giáo viên dạy một môn học nào đó, thì yêu cầu chuyên sâu được đặt ra. Như vậy, với giáo viên Khoa học tự nhiên, yêu cầu chuyên sâu được đặt ra đối với môn Khoa học tự nhiên. Còn những yếu tố như khả năng ngôn ngữ, kỹ năng sư phạm… chắc chắn sinh viên sư phạm nào sẽ được học tập, rèn luyện qua các học phần của chương trình đào tạo”.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: “Thứ nhất, trong quá trình xây dựng các tổ hợp xét tuyển, các trường đại học phải tính toán bám sát chương trình giáo dục phổ thông cũng như các yêu cầu đối với giáo viên, để đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đưa ra tổ hợp nào cũng phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí: có khả thi không, có cần thiết không, có khoa học không, có đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay không?

Thực tế đã chứng minh, các tổ hợp truyền thống, chẳng hạn đối với khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa; Toán, Hóa, Sinh…); khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa; Văn, Sử, Ngoại ngữ…) đã được thi tuyển, xét tuyển từ rất nhiều năm qua, bởi đã được nghiên cứu và xây dựng, xác định trên cơ sở khoa học.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát thật kỹ khi các trường mở mã ngành và đăng ký các tổ hợp xét tuyển. Đây là vấn đề rất đáng để tâm, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo giáo viên”.

Theo Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, trước hết, cần xem xét các tổ hợp được đưa ra có phù hợp với quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không?

Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng bày tỏ: “Đối với lĩnh vực đào tạo giáo viên, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về xác định tổ hợp xét tuyển phải phù hợp với ngành đào tạo. Ví dụ, để tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, nhà trường cần phải xây dựng tổ hợp xét tuyển gồm những môn nào?

Như vậy, mới tránh được các trường hợp cơ sở giáo dục đại học đưa ra các tổ hợp nhằm tuyển sinh được nhiều thay vì tuyển đúng đối tượng”.

 Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Thí sinh không học đủ Lý, Hóa, Sinh, chất lượng đào tạo giáo viên tích hợp có thể bị ảnh hưởng

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Mai Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng chỉ ra rằng: “Theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 (Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT), các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ xác định phương thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển cho mỗi ngành đào tạo; song, việc lựa chọn tổ hợp môn phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ về tính phù hợp, công khai và minh bạch.

Cụ thể, tổ hợp xét tuyển cần bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với ngành đào tạo, trong đó, bắt buộc có một môn Toán hoặc Ngữ văn chiếm không dưới 25% trọng số điểm xét tuyển. Quy định này nhằm đảm bảo mỗi tổ hợp đều có môn nền tảng, mang tính cốt lõi cho ngành học, đồng thời, hạn chế các tổ hợp “lệch” không liên quan đến lĩnh vực đào tạo.

Các trường đại học phải công bố công khai các tổ hợp xét tuyển trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình về tính hợp lý, liên quan của các môn thi được đưa vào tổ hợp đó đối với yêu cầu chuyên môn của ngành. Nói cách khác, nhà trường cần chứng minh rằng tổ hợp môn đã chọn đánh giá đúng năng lực cần thiết để sinh viên có thể học tập tốt ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên”.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Mai Hường cũng lưu ý rằng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 phân chia thành hai giai đoạn với cách tiếp cận môn học khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo giáo viên:

Giai đoạn giáo dục cơ bản (trung học cơ sở, lớp 6-9): Ở cấp trung học cơ sở, môn Khoa học tự nhiên là môn học tích hợp gồm kiến thức của 3 phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở vì vậy phải có năng lực tổng hợp, nắm vững kiến thức của cả 3 lĩnh vực này để giảng dạy xuyên suốt chương trình.

Giai đoạn định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông, lớp 10-12): Ở cấp trung học phổ thông, các môn thuộc khối Khoa học tự nhiên lại được phân hóa riêng biệt. Học sinh lựa chọn các môn học theo định hướng (ví dụ: Vật lý, Hóa học, Sinh học được học tách riêng tùy theo tổ hợp môn tự chọn của từng học sinh). Do đó, giáo viên ở bậc trung học phổ thông thường được đào tạo theo chuyên ngành đơn lẻ (Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học hoặc Sư phạm Sinh học) để dạy chuyên sâu một môn.

“Điều này có nghĩa là giáo viên Sư phạm Khoa học tự nhiên được đào tạo để dạy tích hợp chủ yếu sẽ phục vụ giảng dạy ở bậc trung học cơ sở, nơi cần kiến thức liên ngành, còn ở bậc trung học phổ thông, thì giáo viên có thể phân công dạy môn đúng chuyên môn đào tạo của mình.

Việc một số trường đại học sử dụng tổ hợp xét tuyển không bao gồm bất kỳ môn Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học nào cho ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên gây băn khoăn về chất lượng đầu vào của ngành này.

Trường hợp thí sinh không học đủ cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh ở bậc trung học phổ thông hoặc tổ hợp xét tuyển không có các môn này nhưng vẫn trúng tuyển vào ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, sẽ có nguy cơ thiếu hụt kiến thức nền tảng cần thiết, sinh viên trúng tuyển sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập chuyên ngành và chất lượng đào tạo giáo viên tích hợp sau này có thể bị ảnh hưởng” - cô Mai Hường phân tích thêm.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Mai Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Mai Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Từ đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Mai Hường cũng có một số khuyến nghị nhằm đảm bảo chất lượng tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên: “Thứ nhất, mỗi tổ hợp dùng để tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên nên chứa tối thiểu một môn thuộc nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học) làm môn chính. Đây là môn cốt lõi liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo, đảm bảo thí sinh có nền tảng cần thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhấn mạnh nguyên tắc này - sẽ yêu cầu các trường rà soát lại những tổ hợp không có môn học chính, cốt lõi gắn với ngành đào tạo. Việc bổ sung môn khoa học tự nhiên vào tổ hợp giúp sàng lọc thí sinh có tố chất và kiến thức nền phù hợp để theo học ngành sư phạm tích hợp.

Thứ hai, kết hợp môn đánh giá tư duy nhưng giữ trọng tâm Khoa học tự nhiên: Bên cạnh môn khoa học tự nhiên bắt buộc, các trường có thể kết hợp thêm các môn khác như Toán hoặc Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển nhằm đánh giá năng lực tư duy logic và kỹ năng ngôn ngữ của thí sinh. Việc đưa môn Ngoại ngữ hoặc Toán vào tổ hợp giúp đánh giá toàn diện hơn về thí sinh. Tuy nhiên, trọng tâm xét tuyển vẫn phải là năng lực về khoa học tự nhiên; các môn bổ sung chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thể thay thế yêu cầu nền tảng của các môn Lý, Hóa, Sinh.

Thứ ba, tăng cường hướng dẫn và giám sát từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để bảo đảm chất lượng đầu vào, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành hướng dẫn cụ thể và giám sát chặt chẽ việc xác định tổ hợp xét tuyển của các trường”.

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tuyen-sinh-nganh-su-pham-co-to-hop-la-can-ra-soat-de-dam-bao-chat-luong-gv-post250274.gd