Tuyển sinh sớm liệu có bị khai tử trong mùa tuyển sinh đại học năm 2025?
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng nhiều biện pháp để quản lý vấn đề tuyển sinh cùng với đó nhiều bất cập liên quan đến tuyển sinh sớm đã khiến nhiều trường không mặn mà tổ chức tuyển sinh sớm như mọi năm.
Nhiều điểm bất cập liên quan đến tuyển sinh sớm
Đến thời điểm hiện nay, mặc dù nhiều trường đại học đã công bố dự kiến phương án tuyển sinh, tuy nhiên vấn đề tuyển sinh sớm vẫn không rõ ràng như các năm.
Riêng trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024, nhiều trường đã áp dụng tuyển sinh sớm thông qua các phương thức tuyển sinh như xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực và xét tuyển kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Đến tháng 4/2024, gần 200 trường đại học đã công bố thông tin tuyển sinh với các phương thức xét tuyển sớm, đặc biệt là xét học bạ THPT. Kết quả cho thấy, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước khi năm học kết thúc.
Tuy nhiên, từ năm 2024 một số chính sách bắt đầu cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã từng bước thắt chặt quản lý đối với tuyển sinh sớm. Như việc, dù đã trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Nếu không thực hiện bước này, kết quả trúng tuyển sớm sẽ không có giá trị.
Tuy nhiên, việc đua nhau áp dụng tuyển sinh sớm đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như gây khó khăn cho thí sinh trong việc lựa chọn và chuẩn bị hồ sơ. Ngoài ra, việc phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý đã dẫn đến tình trạng thiếu công bằng trong tuyển sinh.
Thống kê cho thấy, trong hơn 375.500 thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm, chỉ có hơn 147.000 trường hợp đăng ký nguyện vọng 1 trúng tuyển sau lọc ảo, chiếm chưa đến 40%. Đó là minh chứng hiệu quả của xét tuyển sớm còn hạn chế.
Siết chặt tuyển sinh sớm
Trước những vấn đề này, Bộ GD&ĐT đang xem xét sửa đổi quy chế tuyển sinh, điều chỉnh quy định về tuyển sinh sớm từ năm 2025 nhằm đảm bảo tính công bằng và nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học.
Cụ thể, theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đề xuất giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh sớm bằng cách các cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm, nhưng chỉ tiêu dành cho phương thức này không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu của từng ngành hoặc nhóm ngành.
Điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không được thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Các trường phải công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển và không được yêu cầu thí sinh cam kết nhập học sớm trước kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Danh sách này sẽ được đưa vào hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng các phương thức xét tuyển khác.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng quy định, nếu xét tuyển bằng học bạ bắt buộc phải lấy kết quả của học kỳ 2 lớp 12.
Với hàng loạt quy định như trên, nhiều trường muốn tổ chức xét tuyển đại học sớm cũng rất khó. Như việc xét tuyển sớm bằng học bạ và kết hợp xét tuyển học bạ với các chứng chỉ quốc tế phải diễn ra sau khi kết thúc học kỳ II.
Còn đối với xét tuyển dựa vào các kỳ thi riêng, Bộ GD&ĐT yêu cầu điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không được thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Điều này khiến cho các trường cũng không thể xét tuyển sớm vì muốn quy đổi tương đương cũng phải chờ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều trường điều chỉnh phương thức tuyển sinh
Việc điều chỉnh của Bộ GD&ĐT để siết quản lý tuyển sinh sớm khiến nhiều trường đại học đã có biện pháp điều chỉnh.
Đơn cử, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố dự kiến phương thức tuyển sinh năm 2025 bao gồm 3 phương thức, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển dành cho những thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, hoặc đáp ứng các tiêu chí ưu tiên khác theo quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tuyển, với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Đại học Quốc gia Hà Nội quy định.
Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội có thể tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và sử dụng kết quả này để xét tuyển. Thí sinh cần đạt mức điểm tối thiểu theo yêu cầu của từng ngành đào tạo.
Xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương, kết hợp với kết quả học tập hoặc thi tốt nghiệp THPT.
Nhìn chung với dự kiến phương thức tuyển sinh trên, việc xét tuyển sớm gần như không xảy ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tại đại học Bách Khoa Hà Nội, nhà trường dự kiến áp dụng 3 phương thức tuyển sinh trong năm 2025. Phương thức xét tuyển tài năng dành cho thí sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc có chứng chỉ quốc tế uy tín.
Xét kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo kế hoạch, năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy với 3 đợt thi diễn ra vào các tháng 1, 3 và 4 năm 2025, tại hơn 30 điểm thi trên cả nước.
Với việc nói không với xét tuyển học bạ và các hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ và chứng chỉ quốc tế, Đại học Bách Khoa Hà Nội gần như hạn chế tối đa việc xét tuyển sớm.
Đối với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhà trường cũng đã thống nhất phương án tuyển sinh đại học cho năm 2025 với việc giảm số lượng phương thức xét tuyển xuống còn ba, nhằm đơn giản hóa quy trình và tăng tính minh bạch.
Cụ thể, các phương thức tuyển sinh bao gồm xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng. Phương thức này áp dụng với các thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; thí sinh thuộc diện ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức và xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Việc các nhà trường nói không với xét tuyển học bạ và các hình thức xét tuyển học bạ với các chứng chỉ quốc tế gần như đã thu gọn rất nhiều quy mô xét tuyển sớm.
Mặc dù, Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh trong phạm vi 20%. Nhưng các quy định về tuyển sinh bằng học bạ và quy đổi điểm giữa các phương thức tuyển sinh đã góp phần thu hẹp quy mô tuyển sinh sớm, thậm chí nhiều nhà trường đã không áp dụng tuyển sinh sớm.