Tuyển thủ Việt Nam nhận thưởng bao nhiêu nếu giành huy chương Olympic?

Ngoài mức thưởng 'cứng' từ ngân sách nhà nước, vận động viên (VĐV) giành huy chương Olympic Paris sẽ được thêm khoản thưởng từ nguồn xã hội hóa.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 từ 26-7 đến 11-8 với tổng cộng 16 VĐV thuộc 11 môn.

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cho biết mục tiêu của đoàn là có huy chương, trong đó 3 môn được kỳ vọng là bắn súng, bắn cung, cử tạ. Điều này dễ hiểu khi 4 trong tổng số 5 huy chương Olympic mà thể thao Việt Nam có được trong lịch sử đến từ cử tạ và bắn súng, trong khi bắn cung được đầu tư dài hơi nhiều năm qua để hướng tới Thế vận hội mùa hè này.

Tối thiểu 1,15 tỉ đồng tiền thưởng cho VĐV vô địch quyền Anh Olympic ParisTrong ảnh: Võ sỹ Hà Thị Linh - một trong 2 đại diện của quyền Anh Việt Nam tại Thế vận hội

Tối thiểu 1,15 tỉ đồng tiền thưởng cho VĐV vô địch quyền Anh Olympic ParisTrong ảnh: Võ sỹ Hà Thị Linh - một trong 2 đại diện của quyền Anh Việt Nam tại Thế vận hội

Olympic là đấu trường thể thao khắc nghiệt song cũng danh giá nhất hành tình, vì thế, các tấm huy chương luôn đi kèm mức thưởng xứng đáng.

Theo Nghị định 152/2018/NĐ-CP, VĐV sẽ lần lượt nhận các mức tiền thưởng 350-220-140 triệu đồng/cá nhân tương ứng với thành tích huy chương vàng-bạc-đồng tại Olympic. Nếu phá kỷ lục, VĐV được thưởng thêm 140 triệu đồng.

Bên cạnh khoản thưởng "cứng" từ ngân sách, VĐV giành huy chương Olympic được các liên đoàn, hiệp hội, địa phương tặng thưởng lớn.

Tính tới ngày 19-7, hai xạ thủ Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền được Liên đoàn Bắn súng Việt Nam treo thưởng 500-300-200 triệu đồng cho thành tích huy chương vàng-bạc-đồng.

Hai võ sỹ quyền Anh là Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh được Liên đoàn quyền Anh Việt Nam treo thưởng các mức 500-350-200 triệu đồng, trong khi Liên đoàn Kickboxing Việt Nam hứa tặng thưởng 300-200-100 triệu đồng cho thành tích huy chương vàng-bạc-đồng.

Môn thi có hy vọng huy chương còn lại là cử tạ cũng đang chờ Liên đoàn Cử tạ và Thể hình công bố mức treo thưởng cho lực sỹ duy nhất dự Olympic Paris là Trịnh Văn Vinh. Trước đó tại Olympic 2026, liên đoàn này treo thưởng các mức huy chương là 3.000-2.000-1.000 USD.

Với VĐV ở 8 bộ môn còn lại, tùy vào điều kiện thực tế, các liên đoàn, hiệp hội, bộ môn sẽ tính toán, có thể đưa ra các mức thưởng nếu VĐV giành huy chương hay đạt thành tích ấn tượng ở giải đấu trên đất Pháp.

Theo lịch, võ sỹ judo Hoàng Thị Tình là VĐV Việt Nam sang Pháp sớm nhất, từ 19-7. Sau đó 4 ngày, đoàn Việt Nam chính thức lên đường. Một số VĐV đang tập huấn nước ngoài sẽ bay thẳng tới Paris, tùy theo kế hoạch thi đấu.

Chưa rõ mức thưởng "nóng" của đoàn thể thao Việt Nam

Thông thường tại lễ xuất quân, đoàn thể thao Việt Nam dựa trên cân đối từ các nguồn tài trợ sẽ công bố mức thưởng "nóng" cho thành tích huy chương của VĐV. Tuy nhiên điều này không xảy ra ở lễ xuất quân dự Olympic Paris, tối 17-7 vừa qua.

Tại lễ xuất quân này, có hai doanh nghiệp trao tặng tổng số tiền 1,3 tỉ đồng, trong đó một doanh nghiệp trao tặng 1 tỉ đồng dành cho đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic và Paralympic.

Trước đó vào tháng 2-2023, Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) công bố Chương trình hợp tác đào tạo vận động viên Việt Nam với Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế (ISF). Tại đây, VOC cùng một đối tác của ISF tại Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận tài trợ phần thưởng cho VĐV Việt Nam đạt thành tích tại Olympic 2024.

Khi đó, mức treo thưởng được thông báo lần lượt là 1 triệu USD, 500.000 USD và 200.000 USD cho mỗi tấm huy chương vàng, bạc, đồng.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tuyen-thu-viet-nam-nhan-thuong-bao-nhieu-neu-gianh-huy-chuong-olympic-post583390.antd