Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tổng kết dự án 'Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế'. Hội thảo đã thu hút đông đảo đại biểu là nông dân của các tỉnh, thành phố tham dự dự án cùng các nhà quản lý, các chuyên gia nông nghiệp tham dự.

Đại biểu bên mô hình xử lý thải của nông dân được mô hình hóa tại hội thảo. (Ảnh: HNV)

Đại biểu bên mô hình xử lý thải của nông dân được mô hình hóa tại hội thảo. (Ảnh: HNV)

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" đã thu được những kết quả ấn tượng với 200.000 sản phẩm và tài liệu truyền thông được in và phát hành; 120.000 lượt nông dân được tuyên truyền thông qua hơn 3.200 buổi sinh hoạt tổ, nhóm nông dân; 15.800 lượt hội viên, nông dân được tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải thông qua 566 lớp tập huấn cơ sở; 10.700 lượt hội viên, nông dân, đại diện cấp ủy, chính quyền tham gia 154 sự kiện kết nối; 9.150 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường đã được dự án hỗ trợ về con giống, chế phẩm, cơ sở vật chất…

Phát biểu khai mạc, ông Mai Bắc Mỹ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án đã ví những người tham gia dự án là “những người gìn giữ tương lai xanh” và khẳng định, dự án đã làm thay đổi nhận thức cũng như thói quen xử lý rác thải của hội viên, nông dân vùng dự án theo hướng thân thiện với môi trường và có tác động lan tỏa đối với cả những hội viên nông dân không trực tiếp tham gia vào dự án.

Các kỹ thuật cũng như cách tiếp cận, phương pháp tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học hành vi của dự án đã rất phù hợp, dễ hiểu, dễ làm và giúp nông dân dễ dàng thay đổi hành vi, chuyển đổi sang xử lý rác thải thân thiện với môi trường.

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án. (Ảnh: HNV)

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án. (Ảnh: HNV)

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau lắng nghe các báo cáo, tham luận, ý kiến thảo luận và đóng góp của các chuyên gia, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, của những nông dân tiêu biểu tham gia dự án về việc triển khai thực hiện các hoạt động dự án và xây dựng mô hình; các bài học kinh nghiệm, đề xuất trong nhân rộng mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường nói riêng và những mô hình nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường nói chung.

Theo đó, Hội Nông dân Thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện dự án Hội Nông dân Hà Nội đã tuyên truyền, tập huấn cho gần 1.000 cán bộ, hội viên nông dân; xây dựng 135 mô hình ủ lên men phụ phẩm cây trồng; 90 mô hình nuôi gà đệm lót sinh học; 126 mô hình xử lý rơm rạ; 180 mô hình nuôi sâu canxi, trùn quế.

Trong khi đó, tại Ninh Bình, dự án đã được triển khai từ năm 2021 đến quý I/2025 trên địa bàn 9 xã thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh. Cụ thể, địa phương đã triển khai 32 lớp tập huấn, hướng dẫn 5 kỹ thuật (lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế) cho 950 lượt hội viên nông dân; hỗ trợ xây dựng 540 mô hình; bàn giao 9 máy băm phụ phẩm nông nghiệp, 18 thùng phân loại rác thải cho Hội Nông dân 9 xã, thị trấn và 8 nhà hàng tham gia dự án; gần 1.000 hội viên, nông dân áp dụng thành công kỹ thuật của dự án.

Hội thảo đã khẳng định thành công bước đầu của dự án và tin tưởng sẽ ngày càng nhiều mô hình xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở nước ta. (Ảnh: HNV)

Hội thảo đã khẳng định thành công bước đầu của dự án và tin tưởng sẽ ngày càng nhiều mô hình xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở nước ta. (Ảnh: HNV)

Chia sẻ về dự án, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn cho biết, dự án đã nhân rộng đến 1.200 mô hình xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh gồm: mô hình lên men phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; mô hình ủ phân hữu cơ; mô hình nuôi sâu canxi; mô hình nuôi trùn quế; mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày…

Dự án đã góp phần vào duy trì, nhân rộng các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, giải quyết một cách cơ bản việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải trong chăn nuôi, tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường, từ đó giảm phát thải khí nhà kính.

Có thể thấy, dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải không chỉ là một mô hình điểm trong lĩnh vực xử lý rác thải và bảo vệ môi trường mà còn đặt thêm một viên gạch vững chắc cho quá trình chuyển đổi tư duy sản xuất trong nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, bền vững.

Ảnh chụp lại nguồn từ báo cáo tổng kết dự án. (Ảnh: HNV)

Ảnh chụp lại nguồn từ báo cáo tổng kết dự án. (Ảnh: HNV)

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Chu Văn Chuông, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam) bày tỏ vui mừng trước những kết quả tuyệt vời mà dự án đã mang lại.

Nỗ lực của mỗi cá nhân đóng góp Tin tưởng rằng với sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban ngành, địa phương, các nhà tài trợ, Hội sẽ tiếp tục làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nông dân áp dụng các phương pháp sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường.

Ông Mai Bắc Mỹ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án

Đáng chú ý, dưới góc nhìn của nhà quản lý, chuyên gia vận động tuyên truyền, Tiến sĩ Chu Văn Chuông cho rằng, dự án nhằm cụ thể hóa cam kết của Chính phủ trong COP 16 và COP 26, đặc biệt phục vụ cả mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong đó tập trung vào đối tượng cốt lỗi là nông dân – chủ thể của nông nghiệp, nông thôn, không chỉ có tác động thay đổi nhận thức mà còn từng bước thay đổi hành vi, giúp nông dân bước đầu xử lý rác thải và lâu dài là tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng nông sản Việt trong bước đường hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

“Nỗ lực của mỗi cá nhân đóng góp một phần quan trọng quyết định thành công và hiệu quả của dự án này, thúc đẩy cộng đồng cùng nhau xử lý rác hiệu quả hôm nay vì phồn vinh của cộng đồng ngày mai. Với sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành, địa phương, các nhà tài trợ, hội sẽ tiếp tục làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nông dân áp dụng các phương pháp sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường”, ông Mai Bắc Mỹ nhấn mạnh.

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai từ năm 2021 trên cơ sở lựa chọn và tổ chức triển khai tại 15 tỉnh, thành phố với sự tham gia của 135 phường, xã dưới sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation. Việc triển khai dự án đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần kéo giảm phát thải khí nhà kính trong cộng đồng dân cư và mang lại nhiều lợi ích tích cực làm cải thiện đời sống kinh tế của hội viên nông dân.

Dự án có 4 hoạt động chính về thúc đẩy các tổ-nhóm hội nông dân, hội thảo khởi động và kết nối cấp tỉnh, tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, xây dựng mô hình điểm. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động thiết thực khác nhằm mở rộng dự án đến với hội viên nông dân trên cả nước.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tuyen-truyen-van-dong-nong-dan-xu-ly-rac-thai-tai-viet-nam-post872495.html