Tuyệt đối không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố đang có xu hướng tăng nhanh. Dù chủ động thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, khống chế sự lây lan của sốt xuất huyết từ rất sớm, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn Hà Nội vẫn đối mặt với không ít khó khăn.

Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, tuần qua, từ ngày 7/7 đến ngày 14/7, thành phố Hà Nội ghi nhận 291 ca mắc mới sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã, tăng gần 2 lần so với những tuần trước, không có ca tử vong. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Huyện Thạch Thất, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì…

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng phun thuốc phòng dịch sốt xuất huyết.

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng phun thuốc phòng dịch sốt xuất huyết.

Cũng trong tuần qua, Thành phố ghi nhận 22 ổ dịch tại 10 quận, huyện. Trong đó, đứng đầu là Hoàng Mai với 8 ổ dịch. Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, không có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 285/579 xã, phường, thị trấn. Toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 27 ổ dịch, trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất; thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất.

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu như hằng năm, thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết chỉ rải rác thì năm nay, hiện bệnh viện có khoảng 30 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Riêng tại Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 13 bệnh nhân. Đặc biệt, gần hai tuần trở lại đây số ca mắc có xu hướng gia tăng, trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.

Còn tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, riêng trong tháng 6 đã ghi nhận 20 ca sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu cảnh báo. Trong đó, nhiều người khi bị sốt chỉ nghĩ mình mắc Covid-19 hay cúm mà không nghĩ đến sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc này, máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, họ mới đến bệnh viện…

Phát hiện sớm, điều trị bệnh hiệu quả

Bác sĩ Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốt xuất huyết không phải là miễn dịch bền vững nên có thể bị nhiều lần khác nhau. Bác sĩ Trần Duy Hưng cảnh báo, nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm hoặc bệnh nhân đến viện muộn dẫn đến tình trạng bệnh nặng. Nguy cơ bệnh nặng hay gặp nhất là trường hợp thoát huyết tương gây ra trụy mạch (suy tuần hoàn). Trường hợp thứ hai là tiểu cầu giảm thấp quá gây ra chảy máu dưới da, chảy máu ở trong niêm mạc gây ra mất máu cấp. “Với những bệnh nhân sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu từ ban đầu, chủ yếu theo dõi, điều trị triệu chứng, hỗ trợ và phát hiện sớm những trường hợp nặng để điều trị kịp thời” - bác sĩ Trần Duy Hưng cho biết.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết còn nhầm lẫn biểu hiện bệnh, dẫn đến việc điều trị muộn. Nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác nên không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền, cơ địa phụ nữ có thai,... thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu nguy hiểm.

Chuyên gia lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.

Cũng theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết lây lan là do muỗi vằn truyền bệnh. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc chống dịch của các địa phương, ý thức phòng bệnh tại gia đình của mỗi người dân rất quan trọng. Hàng tuần, mỗi người nên bỏ ra từ 10-15 phút để kiểm tra khuôn viên trong gia đình, nhằm phát hiện các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các dụng cụ, phế thải… có thể chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng, sinh ra các ổ bọ gậy (loăng quăng) phát triển thành đàn muỗi truyền bệnh. Khi có những bất thường về sức khỏe cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai mạnh mẽ các hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7/2023. Duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tuyet-doi-khong-chu-quan-voi-dich-sot-xuat-huyet-158444.html