Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách
Phát biểu kết luận tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ, đưa dự án luật, pháp lệnh vào chương trình hằng năm.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; xây dựng các cơ chế, quy định để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu sự đồng hành với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật nói chung và triển khai Kết luận số 19, Kế hoạch số 81...
Phối hợp cộng đồng trách nhiệm
Đánh giá cao sự phối hợp, đồng hành giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan trình rất chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chức trách nhiệm vụ của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra vẫn rành mạch, quan điểm vẫn giữ vững, nhưng các cơ quan cộng đồng trách nhiệm với nhau, cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ lưỡng đến cùng; lãnh đạo Chính phủ, các bộ trưởng hết sức tích cực, dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Chúng ta phải tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe người dân, cộng đồng doanh nghiệp. “Theo cách thức này thì các dự án luật dù khó mấy chúng ta cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục thống nhất nhận thức và triển khai nghiêm túc 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Kế hoạch số 81; khẩn trương chuẩn bị các đề nghị xây dựng luật đối với 32 nhiệm vụ đã hoàn thành việc nghiên cứu rà soát để bảo đảm chất lượng và tiến độ, tránh tình trạng trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nội hàm, phạm vi điều chỉnh chưa thật rõ nên chưa đưa vào chương trình được.
Với 69 nhiệm vụ còn lại của Kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức nỗ lực bảo đảm tiến độ, chất lượng, không lùi thời hạn so với Kế hoạch.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV không chỉ “đóng khung” lại trong 137 nhiệm vụ tại Kết luận số 81; mà đây chỉ là định hướng; do đó, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần chủ động đề xuất thêm các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Nhấn mạnh nhiệm vụ cần tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tăng cường các phiên họp chuyên đề xây dựng luật, bố trí thời gian phù hợp để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng; tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; đổi mới cách thức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến chuyên gia...
Xây dựng pháp luật: Chủ động và bao quát hơn
Tại hội nghị, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... báo cáo cụ thể về tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 81, nội dung trọng tâm và những vấn đề đang đặt ra trong thực hiện từng nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ngày 14/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Kết luận nhằm định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên cơ sở Đề án do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng nhằm cụ thể hóa và thể chế hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo điều kiện cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động và bao quát hơn trong xây dựng pháp luật, khắc phục tình trạng bị động, lúng túng, thiếu toàn diện trong công tác lập pháp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khi xây dựng chương trình có tầm nhìn cho cả nhiệm kỳ 5 năm và ngay bây giờ đã rà soát những nội dung mà có thể đến năm cuối nhiệm kỳ mới triển khai.
Điều này bảo đảm tính toàn diện, tính bao quát và chủ động hơn rất nhiều so với việc chỉ bám vào chương trình lập pháp hằng năm. Đây là ý nghĩa rất đặc biệt của Kết luận số 19 của Bộ Chính trị.
Qua gần 1 năm thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 812 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan; đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức của trong điều kiện nguồn lực và quỹ thời gian đều có hạn nhưng phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, những nhiệm vụ hệ trọng chưa từng có để thích ứng với điều kiện dịch Covid-19.
“Điều này thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan trong khối lập pháp, hành pháp, tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp...”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo các cơ quan xây dựng báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 19, Kế hoạch số 81 và báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội về nội dung này trình Bộ Chính trị.