Tỷ giá bất ngờ nổi sóng ngay từ đầu năm

Khác với xu hướng ghi nhận những năm trước, tỷ giá đã có những biến động khó lường ngay từ đầu năm.

Khởi đầu nan

Tỷ giá USD trong nước đã có những biến động khó lường, khác biệt so với thông lệ những năm trước khi bật tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2024. Tính đến ngày 10/5, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,6%, cao hơn mức tăng tỷ giá của tất cả các năm, ngoại trừ 2015. Mức mất giá trung bình từ 2014 đến 2023 của VND so với USD là 1,6%.

Đà tăng tỷ giá cũng rất nhanh chóng, có nét tương đồng với giai đoạn cuối năm 2022. Trong những năm trước, tỷ giá thường có xu hướng đi ngang, hoặc giảm trong hai quý đầu năm nhờ hưởng lợi từ dòng kiều hối lớn và FDI và tăng vào nửa cuối năm.

Thống kê từ dữ liệu tỷ giá USD/VND từ trang Investing.com cho thấy mức tăng tỷ giá tronq quý I bình quân trong 10 năm trở lại đây (2014 – 2024) chỉ ở mức 0,4%/năm, trong đó ghi nhận giảm vào các năm 2016, 2017 và 2022. Diễn biến bất thường này của tỷ giá đã đi ngược lại với dự báo của nhiều nhà phân tích, công ty chứng khoán hay cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, để giải thích về nguyên nhân khiến tỷ giá tăng trong những tháng đầu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất với tần suất cao trong năm 2024 đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

“Thậm chí lạm phát Mỹ vẫn duy trì cao, số liệu việc làm tích cực, khiến thị trường liên tục điều chỉnh dự báo”, ông nói. Ban đầu, sau những diễn biến trong cuộc họp chính sách cuối cùng của Fed trong năm 2023, thị trường từng kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 3/2024 và có thể lên tới 5 - 6 lần trong năm.

Tuy nhiên, sau khi loạt dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố cho thấy lạm phát vẫn cao và thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ, thị trường đã lùi kỳ vọng về đợt cắt giảm đầu tiên sang tháng 9. Thậm chí, gần đây còn xuất hiện quan điểm cho rằng Fed sẽ không hạ lãi suất trong năm 2024.

Những yếu tố này khiến chỉ số USD Index (DXY) vọt lên khoảng 105 -106, tương tự như giai đoạn cuối năm 2023. Tại Việt Nam, nhà điều hành cũng đang duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy kinh tế. Trên thị trường liên ngân hàng, chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD đã tạo tâm lý cho bản thân ngân hàng thương mại và thị trường đẩy tỷ giá tăng.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu cao để đáp ứng nhu cầu sắt thép, xăng dầu đã tạo áp lực lên tỷ giá. Trong báo cáo về thị trường tiền tệ mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng thừa nhận rằng kỳ vọng hạ lãi suất của Mỹ đảo chiều đã gây áp lực mạnh hơn dự tính đối với tiền đồng. Trước đó, VDSC từng dự báo VND sẽ mất giá khoảng 3% trong quý đầu năm (đến ngày 10/5 đã mất giá 4,6%).

Nhiều công ty chứng khoán khác cũng từng nhận định rằng tỷ giá năm 2024 có thể tăng vào thời điểm đầu năm nhưng sau đó sẽ sớm ổn định và được hỗ trợ bởi các yếu tố như thặng dư thương mại, kiều hồi hay khả năng Fed cắt giảm lãi suất... Tuy nhiên, những dự báo này đều đã không thành hiện thực do sự đảo chiều trong kỳ vọng chính sách của Fed.

Tỷ giá USD sẽ ở mức cao trong thời gian dài hơn

Sau diễn biến bất ngờ của tỷ giá, giới phân tích đã điều chỉnh lại triển vọng của tiền đồng.

UOB cho rằng với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang giảm dần, tỷ giá USD/VND có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Theo các chuyên gia, NHNN đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 và điều này có thể giúp kiểm soát biến động.

Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, UOB kỳ vọng đồng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY. Cập nhật dự báo vào đầu tháng 5, UOB kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 25.600 trong quý II, giảm dần về 24.800 trong quý IV và về mức 24.600 trong quý I/2025. Trước đó, vào cuối năm 2023, UOB từng dự báo tỷ giá sẽ ở mức 23.800 vào cuối quý II và giảm dần về 23.500 trong quý IV.

Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng hiện NHNN vẫn còn dư địa can thiệp tỷ giá nhưng không nhiều với khoảng 93 - 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối chỉ hơi dư so với ngưỡng an toàn. Trong năm 2022, đợt can thiệp vào cuối năm đã khiến dự trữ ngoại hối giảm 22 tỷ USD.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng khả năng kiểm soát mức mất giá của tiền đồng trong phạm vi 5% sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến bên ngoài. Trong trường hợp chỉ số DXY tiếp tục tăng vượt ngưỡng 110 thì tỷ giá cũng khó có thể kiềm giữ ở mức 5% như mong muốn của NHNN.

Dữ liệu từ WiChart cho thấy NHNN đã sử dụng từ 500 - 700 triệu USD để can thiệp tỷ giá trong những tuần vừa qua. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng đưa ra kỳ vọng tương đối sáng cho tỷ giá trong những tháng cuối năm 2024.

Trong một chia sẻ gần đây, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, cho biết tỷ giá đã bớt áp lực và giai đoạn cao trào nhất đã qua. Báo cáo trước đó của bộ phần phân tích từ WiGroup nhận định rằng tỷ giá USD trong nước tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý II.

Quan điểm này được đưa ra dựa trên ba cơ sở: Fed giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (QT), nguồn thu ngoại tệ tăng cao và việc NHNN sửa Thông tư 02/2021/TT-NHNN nhằm mục đích tăng tính linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá trước những thay đổi điều kiện thị trường trong nước và quốc tế.

(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2024)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ty-gia-bat-ngo-noi-song-ngay-tu-dau-nam.html