Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Việt Nam tiệm cận thế giới
Ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã chuẩn bị đủ ôxy cho kịch bản số ca nhiễm cao hơn. Đồng thời yêu cầu các địa phương cần nhanh chóng nâng công suất năng lực xét nghiệm và cách ly.
Bộ trưởng cho biết: "Tổng thể chung chúng ta vẫn đảm bảo, nhưng vấn đề từng nơi, từng chỗ cần phải tăng điều phối, có phương án ôxy và cơ sở hạ tầng. Một số địa phương có nguy cơ thiếu ôxy nếu dịch xảy ra lây nhiễm trên địa bàn cục bộ".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tất cả các địa phương phải rà soát lại toàn bộ bệnh viện hạng 2, hạng 3, yêu cầu chuẩn bị sẵn phương án ôxy và cơ sở hạ tầng để phục vụ điều trị việc thở ôxy mask, thở oxy dòng cao (HFNC).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ đã nhận được đề xuất về hỗ trợ trang thiết bị điều trị COVID-19 của TPHCM và một số tỉnh, nhưng phải "liệu cơm gắp mắm". Ông nhấn mạnh lại tinh thần "4 tại chỗ", chủ động, không phụ thuộc quá nhiều vào Trung ương.
Phát biểu khi kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống COVID-19 với 63 tỉnh, thành, ngày 16/7, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị tình huống kịch bản xấu.
Về máy móc, trang thiết bị, Bộ trưởng nhấn mạnh vẫn theo quan điểm "4 tại chỗ", các địa phương cần chuẩn bị tất cả các máy móc cơ bản nhất như máy thở. Bộ Y tế đã cấp cho các địa phương, yêu cầu tăng cường tập huấn sử dụng máy thở. Địa phương nào chưa cần dùng đến thì báo cáo để điều phối đến những nơi đang cần.
Đối với ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể, là hệ thống hồi sức tích cực tân tiến), Bộ trưởng lưu ý những địa phương thành lập trung tâm ICU (hồi sức tích cực) mới cần trang bị hệ thống này, không phải mọi tuyến đều có. Lý do là bởi "EMCO đi kèm một loạt các thứ khác, không phải nơi nào cũng dùng được".
Khoảng 80% bệnh nhân không có triệu chứng
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho rằng tất cả các khu vực đều cần chuẩn bị ôxy, kể cả những nơi điều trị bệnh nhân nhẹ cũng cần ôxy, đề phòng bệnh nhân đổi trạng thái tình trạng bệnh (từ nhẹ sang nặng).
Với những bệnh nhân có bệnh nền, các thầy thuốc phải theo dõi chặt vì dễ chuyển sang giai đoạn nặng. Nếu có biểu hiện nặng phải dùng thuốc và các máy móc hỗ trợ thở nồng độ ôxy cao... để giúp không chuyển nặng.
Trong đợt dịch thứ 4, các chuyên gia đánh giá vẫn có khoảng 80% bệnh nhân không có triệu chứng, 10-20% từ trung bình diễn biến nặng. PGS Khuê lưu ý đặc biệt việc các bệnh viện phải chú ý đến các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến oxy, máy thở... hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong.
Tỷ lệ tử vong tiệm cận thế giới
Về điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá vẫn trong tầm kiểm soát điều trị các bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, qua theo dõi tại một số tỉnh/thành, tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng lên, dường như trở thành gánh nặng y tế rất lớn cho TPHCM và một số tỉnh thành như Đồng Tháp....
Tỷ lệ bệnh nhân nặng phải hỗ trợ oxy, thở máy chức năng cao, ECMO ngày càng tăng cao. Số lượng máy thở của một số địa phương vượt quá khả năng đáp ứng. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong, thống kê sơ bộ chung của cả nước là 0,43%, nhưng tại TPHCM tăng lên hơn 0,6%, tại Đồng Tháp tăng cao hơn nữa.
Thứ trưởng lưu ý: "Chứng tỏ chúng ta cũng đang tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới. Do đó, cần hết sức lưu ý trong tình trạng bệnh nhân trở nặng, bắt buộc sử dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị".
"Chúng tôi khuyến nghị các địa phương nên thiết lập khu vực điều trị tích cực ngay tại các bệnh viện dã chiến để có thể nâng cao năng lực khi cần và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh ca bệnh tăng nhanh, Bộ Y tế cũng đã thay đổi thời gian điều trị, xuất viện cho các bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng trong 10 ngày có 2 lần âm tính hoặc tải lượng virus thấp giúp giảm tải cho các cơ sở y tế.