Tỷ lệ ca mắc mới đột quỵ tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới đột quỵ ước tính khoảng 222 ca trên 100.000 dân mỗi năm, và tỷ lệ hiện mắc lên đến 1.541 trên 100.000 dân, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Ngày 24/7, tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đã tham dự, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Liên minh Đột quỵ Toàn cầu năm 2025.
Hội nghị quy tụ gần 300 đại biểu đến từ hơn 15 quốc gia nhằm chia sẻ những thành tựu, thảo luận những thách thức, đồng thời khẳng định cam kết chung trong việc nâng cao năng lực phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ.
Sự kiện này cũng thể hiện vị thế của ngành đột quỵ Việt Nam trên bản đồ đột quỵ Thế giới cũng như sự quan tâm đặc biệt của Tổ chức Đột quỵ Thế giới đối với Việt Nam.
Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Tổ chức Đột quỵ thế giới cùng với Bệnh viện Bạch Mai - Bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao của Việt Nam, Hội Đột quỵ TP Hà Nội và Chương trình Angels. Đây là sự khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới về chăm sóc sức khỏe đột quỵ.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu
Tử vong do đột quỵ tại Việt Nam chiếm vị trí số một trong các bệnh lý tim mạch
Đột quỵ não không chỉ là một gánh nặng y tế nghiêm trọng mà còn là gánh nặng kinh tế - xã hội to lớn trên toàn cầu. Hiện nay, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ hai và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trưởng thành trên khắp thế giới.
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 12.2 triệu ca đột quỵ mới xảy ra trên toàn cầu, với tần suất đáng báo động là cứ mỗi 3 giây lại có một người bị đột quỵ. Hậu quả của đột quỵ là vô cùng nặng nề, tới 71% bệnh nhân sau đột quỵ mất khả năng lao động, ảnh hưởng sâu sắc đến không chỉ từng gia đình người bệnh mà còn ảnh hưởng đến lực lượng lao động xã hội và gây ra chi phí y tế khổng lồ, ước tính chiếm khoảng 1.12% tổng GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, theo số liệu của Báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019, có tới 135.999 ca tử vong do đột quỵ, chiếm vị trí số một trong các bệnh lý tim mạch.
Tỷ lệ mắc mới ước tính khoảng 222 ca trên 100.000 dân mỗi năm, và tỷ lệ hiện mắc lên đến 1.541 trên 100.000 dân, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Những con số ấy phản ánh một gánh nặng y tế nghiêm trọng, tác động không chỉ tới sức khỏe của từng người bệnh mà còn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Trước thực trạng đó, việc không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn và phát triển chuyên ngành đột quỵ là hết sức cấp thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của toàn xã hội về công tác chăm sóc điều trị và phòng ngừa đột quỵ não.

GS Jeyaraj D. Pandian, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ Thế giới phát biểu.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, những năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong xây dựng mạng lưới chăm sóc đột quỵ. Số lượng đơn vị đột quỵ đã tăng từ 12 vào năm 2016 lên hơn 150 vào năm 2025.
Đồng thời, các phương pháp điều trị hiện đại như tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đã được triển khai thường quy tại nhiều bệnh viện tỉnh và trung tâm y tế lớn.
"Chương trình Angels - một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, được triển khai tại Việt Nam từ năm 2017 cũng đã góp phần chuẩn hóa quy trình chăm sóc, nâng cao hiệu quả can thiệp cấp cứu.
Đặc biệt, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai đã vươn lên trở thành một trong bốn trung tâm hàng đầu thế giới có số lượng chứng nhận Kim cương lớn nhất, theo tiêu chí đánh giá của Hội Đột quỵ Thế giới. Đây là niềm tự hào không chỉ của ngành Y tế mà còn là minh chứng cho năng lực hội nhập và phát triển chuyên môn sâu của y tế Việt Nam"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
4 chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng thẳng thắn cho hay, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là tỷ lệ người bệnh đến bệnh viện muộn, vượt quá "thời gian vàng" để can thiệp hiệu quả. Hệ thống cấp cứu trước viện còn chưa phát triển đồng bộ, đặc biệt thiếu những đơn vị phản ứng nhanh chuyên biệt về đột quỵ.
Đồng thời, sự chênh lệch về năng lực điều trị giữa các vùng miền, cùng với điều kiện hạ tầng giao thông và phân bố dân cư không đồng đều, đang là rào cản lớn trong việc đảm bảo cơ hội điều trị công bằng và kịp thời cho mọi người dân.

Các đại biểu trong nước và quốc tế dự hội nghị.
Trước thực tiễn đó, bên cạnh hai giải pháp căn cơ là Bộ Y tế đang từng bước triển khai các nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, xây dựng hệ thống dự báo nguy cơ đột quỵ dựa trên dữ liệu lớn, phát triển mạng lưới can thiệp cấp cứu từ xa nhằm rút ngắn thời gian xử trí và cá thể hóa điều trị; đồng thời tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế xác định cần triển khai đồng bộ các chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ, cụ thể:
Cần tiếp tục mở rộng mạng lưới các đơn vị đột quỵ đạt chuẩn trên toàn quốc. Việc phát triển mạng lưới này sẽ được thực hiện theo mô hình "vệ tinh – trung tâm", đặc biệt ưu tiên tại các vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, vừa bảo đảm tính hiệu quả trong đầu tư, vừa bảo đảm khả năng hỗ trợ chuyên môn liên tục giữa các tuyến.

Tổ chức Đột quỵ thế giới trao chứng nhận Trung tâm Đột quỵ chuyên sâu cho cho Bệnh viện Bạch Mai. Đây là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam, và bệnh viện đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chứng nhận này.
Cùng đó, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá Trung tâm đột quỵ áp dụng thống nhất trên cả nước, làm cơ sở cho kiểm định chất lượng hoạt động theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế. Đây sẽ là công cụ quan trọng để chuẩn hóa năng lực điều trị, bảo đảm tính minh bạch và tạo động lực nâng cao chất lượng chuyên môn giữa các cơ sở.
Đào tạo nhân lực là nhiệm vụ then chốt. Ngành Y tế sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên sâu về đột quỵ, tập trung vào các lĩnh vực như cấp cứu tiền viện, can thiệp mạch não và phục hồi chức năng sớm sau đột quỵ. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ tại tuyến cơ sở để rút ngắn thời gian phản ứng, tối ưu hóa "thời gian vàng" trong điều trị.
Cùng đó, nghiên cứu xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia về đột quỵ, hướng tới ba mục tiêu trọng tâm: giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong và giảm tỷ lệ tàn phế do đột quỵ. Đây là chương trình mang tính hệ thống và dài hạn, cần sự phối hợp liên ngành và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

PGS.TS Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội một trong 8 cá nhân đạt giải thưởng "Spirit of Excellence Award" do Tổ chức Đột quỵ Thế giới trao tặng vì sự cống hiến và đóng góp xuất sắc cho chuyên ngành đột quỵ các nước.
Hội nghị Liên minh Đột quỵ Toàn cầu năm nay đặc biệt nhấn mạnh vào việc nâng cao kiến thức về đột quỵ cấp tính và liệu pháp can thiệp nội mạch - một trong những phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ do tắc mạch lớn hiệu quả nhất hiện nay, mang lại lợi ích rõ rệt về giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Hội nghị Liên minh Đột quỵ Toàn cầu năm 2025 diễn ra từ hôm nay đến 26/7 là cầu nối quan trọng để các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ và can thiệp mạch máu não từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau chia sẻ những kiến thức chuyên sâu, cập nhật khoa học mới nhất và thúc đẩy sự hợp tác đa quốc gia.
Cũng tại hội ngị, Tổ chức Đột quỵ thế giới đã trao cho Bệnh viện Bạch Mai chứng nhận Trung tâm Đột quỵ chuyên sâu – là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam, và bệnh viện đầu tiên tại Đông Nam Á theo bộ tiêu chuẩn mới (new platform) cập nhật với yêu cầu đánh giá khắt khe và toàn diện của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình chuẩn hóa chất lượng điều trị đột quỵ tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong Hội nghị, Tổ chức Đột quỵ thế giới sẽ trao giải thưởng "Spirit of Excellence Award" cho PGS.TS Mai Duy Tôn – Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội – một trong 8 cá nhân đạt giải thưởng vì sự cống hiến và đóng góp xuất sắc cho chuyên ngành đột quỵ các nước, mỗi quốc gia chỉ có duy nhất một giải.