Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng vẫn chậm
Theo Bộ Tài chính, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm nay đạt 39,15% đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 là 40,60%.
Ước thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 từ đầu năm đến 31/8 là 212.227,28 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch và đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 207.347,63 tỷ đồng (đạt 36,82% kế hoạch và đạt 40,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 4.879,65 tỷ đồng, đạt 14,02% kế hoạch.
Theo Bộ Tài chính, có 7 bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (51,91%), Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Phú Thọ (57,2%), Long An (55,1%). Tuy nhiên có tới có 35/51 Bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 Bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Về tình hình thực hiện chế độ báo cáo, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo định kỳ tình hình giải ngân tháng 8/2022 của 18/51 bộ, cơ quan trung ương và 54/63 địa phương. Còn lại 33/51 bộ, cơ quan trung ương và 9/63 địa phương Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo.
Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký văn bản số 727/TTg-KTTH phân công các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, cơ quan, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ giao 6 Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan Trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến ngày 31/7/2022 dưới mức trung bình của cả nước (34,47%).
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương, từ nay tới cuối năm, các địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.
Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi...
Một số chuyên gia tài chính của MSB Research cho biết: Để giải ngân lượng vốn đầu tư công rất lớn năm 2022 với số vốn gấp hơn, 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 Nghị quyết (trong đó có 2 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 3 công điện, 7 văn bản; tổ chức 1 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
Trong phiên họp Chính phủ tháng 7 diễn ra đầu tháng 8/2022, Chính phủ tuyên bố sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.