Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới và trẻ em có xu hướng tăng

Song song với đó, sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới cũng đang dẫn đến nhiều hệ lụy.

 Tỷ lệ trẻ em và phụ nữ hút thuốc gia tăng sau 8 năm. Ảnh: Chalis007.

Tỷ lệ trẻ em và phụ nữ hút thuốc gia tăng sau 8 năm. Ảnh: Chalis007.

Ngày 26/12, tại hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định việc phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 cũng tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022.

Thứ hai, thứ trưởng nhận định tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng.

Theo đó, thống kê cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%.

 Tỷ lệ trẻ em hút thuốc tăng đáng báo động. Ảnh minh họa: Chalis007.

Tỷ lệ trẻ em hút thuốc tăng đáng báo động. Ảnh minh họa: Chalis007.

Ở nhóm tuổi học sinh từ 13 đến 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.

Thứ ba, các sản phẩm thuốc lá hiện được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh thông tin. Trong đó, nhiều thông tin chưa kiểm chứng, dễ gây ra những cách hiểu không chính xác về tác hại cũng như mức độ nguy hại của các dòng sản phẩm so với thuốc lá điếu.

Cuối cùng, ông Thuấn khẳng định thanh thiếu niên hiện có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc, xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và Internet.

Trước đó, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đã góp phần điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên (GYTS) vào các năm 2004, 2007, 2014, 2022.

Kết quả điều tra cho thấy việc phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thanh thiếu niên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà ở học sinh giảm từ 47,7% năm 2014 xuống 24,5% năm 2022.
Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh tại khu vực trong nhà của địa điểm công cộng giảm từ 66,5% xuống 22,2%.
Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trường học giảm từ 48,6% xuống 35,7%...

Trên thực tế, việc truyền thông về tác hại các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo như: Đưa nội dung tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đối với thế hệ trẻ vào kế hoạch năm học; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trong cơ sở giáo dục, cũng như bán thuốc lá ngoài cổng, cơ quan, đơn vị, trường học.

Năm 2022, 78,7% học sinh đã có nhận thức về tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe; 57,5% học sinh được dạy ở trường về tác hại của thuốc lá trong 12 tháng qua.

Thông qua hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: “Những giải pháp hiệu quả sẽ nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do thuốc lá gây ra, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ tương lai, đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ty-le-hut-thuoc-la-o-nu-gioi-va-tre-em-co-xu-huong-tang-post1388526.html