Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, Trung Quốc cận kề khủng hoảng nhân khẩu học
Theo dữ liệu mới công bố của Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ sinh tại nước này vừa có năm giảm thứ 5 liên tiếp và ghi nhận mức thấp kỷ lục trong năm 2021, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích các cặp đôi sinh thêm con trước nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân khẩu học...
Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc thấp kỷ lục trong năm 2021 - Ảnh: Getty Images
Năm 2021, quốc gia đông dân nhất thế giới có thêm 10,62 triệu trẻ ra đời, tương đương 7,5 trẻ trên 1.000 dân. Đây là tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ khi năm 1949.
DÂN SỐ TRUNG QUỐC CÓ THỂ ĐÃ ĐẠT ĐỈNH NĂM 2021
Số lượng sinh của Trung Quốc năm 2021 cao hơn không nhiều so với số người chết. Năm qua, dân số nước này chỉ tăng thêm 480.000 người lên 1,4126 tỷ người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 0,034%, mức thấp nhất kể từ thời điểm xảy ra nạn đó năm 1959-1961 khiến hàng chục triệu người thiệt mạng và dẫn tới suy giảm dân số.
Số lượng sinh năm 2021 của Trung Quốc giảm 11,6% so với mức 12,02 triệu trẻ của năm 2020 và giảm tới 18% so với mức 14,65 triệu trẻ của năm 2019.
Các nhà nhân khẩu học cảnh báo rằng nếu xu hướng giảm dân số tiếp diễn, dân số Trung Quốc có thể sẽ sớm thu hẹp. Hiện tại, dân số trong độ tuổi lao động của nước này đã bắt đầu giảm, gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, khi mà số lượng người già ngày càng tăng lên.
"Thách thức về nhân khẩu học của Trung Quốc đang rất rõ rệt và tốc độ già hóa dân số rõ ràng đang nhanh hơn dự báo", nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang tại Pinpoint Asset management nhận định. "Điều này cho thấy tổng dân số của Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh vào năm 2021 và cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc có thể sẽ giảm nhanh hơn dự kiến".
Còn chuyên gia nhân khẩu học Huang Wenzheng, tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu Hóa, dự báo số lượng sinh tại Trung Quốc có thể giao động quanh mức 10 triệu trẻ trước khi giảm sâu hơn nếu không có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong chính sách.
Năm 2021, hơn 20 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã sửa đổi luật kế hoạch hóa gia đình, trong đó kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ. Ví dụ, tỉnh Chiết Giang cho phép nữ giới nghỉ sinh tới 188 ngày nếu sinh con thứ ba. Còn tại tỉnh Thiểm Tây, phụ nữ được nghỉ tới 350 ngày sau khi sinh con thứ ba.
"Các chính sách sẽ hỗ trợ nhiều cho việc tăng tỷ lệ sinh về lâu dài như sự thăng tiến trong nghề nghiệp có thể gắn liền với việc một người có con hay không, các trợ cấp về kinh tế hoặc thậm chí là chi trả trực tiếp bằng tiền mặt để trang trải chi phí nuôi gia đình", ông Huang nói.
Theo ông Ning Jizhe, Cục trưởng Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc, sự suy giảm số lượng sinh của nước này xuất phát từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, tỷ suất sinh của mỗi phụ nữ tiếp tục giảm, thay đổi trong thái độ đối với việc sinh đẻ và tình trạng chậm kết hôn của giới trẻ, với một trong những nguyên nhân là đại dịch Covid-19.
Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh chính phủ nước này đang tăng cường khuyến khích các gia đình sinh thêm con sau khi nhận thấy chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ đã góp phần làm cho dân số già nhanh hơn và lực lượng lao động bị thu hẹp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế-xã hội của đất nước.
KHUYẾN KHÍCH ĐẺ BA CON
Để ngăn chặn tình trạng này, năm 2015, Chính phủ Trung Quốc thông báo cho phép các cặp đôi được sinh hai con. Tuy nhiên, sau khi tăng nhẹ trong một thời gian ngắn năm 2016, tỷ lệ sinh của nước này vẫn sụt giảm, buộc các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách vào năm ngoái, cho phép các gia đình sinh tới 3 con.
“Trong năm 2021, 43% số trẻ ra đời là con thứ hai của một gia đình. Chính sách ba con được kỳ vọng sẽ giúp tăng số lượng sinh từ từ và dân số Trung Quốc sẽ vẫn duy trì trên mức 1,4 tỷ người trong thời gian tới”, ông Ning cho biết.
Giá bất động sản cao cùng chi phí giáo dục lớn, đặc biệt tại các thành phố lớn, thường được chỉ ra là những nguyên nhân hàng đầu khiến các cặp đôi không muốn sinh thêm con - Ảnh: WSJ
Trong suốt nhiều thập kỷ, với chính sách một con, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đã buộc hàng triệu phụ nữ phải phá thai nếu đó là đứa trẻ thứ hai của gia đình. Giờ đây, họ phải tung ra hàng loạt chiến dịch tuyên truyền và đưa ra chính sách khuyến khích các gia đình sinh nhiều con hơn. Một số ưu đãi phổ biến là phát tiền mặt, trợ cấp về nhà ở và kéo dài thời gian nghỉ thai sản.
Năm ngoái, hơn 20 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã sửa đổi luật kế hoạch hóa gia đình, trong đó kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ. Ví dụ, tỉnh Chiết Giang cho phép nữ giới nghỉ sinh tới 188 ngày nếu sinh con thứ ba. Còn tại tỉnh Thiểm Tây, phụ nữ được nghỉ tới 350 ngày sau khi sinh con thứ ba.
Tuy nhiên, các chính sách này dường như không thuyết phục được nhiều phụ nữ bởi họ lo lắng sẽ gặp nhiều bất lợi hơn tại nơi làm việc nếu nghỉ quá lâu, khi mà các công ty luôn tìm cách để giảm giánh nặng tài chính.
Chi phí để nuôi một đứa trẻ cũng là nguyên nhân khiến các cặp đôi không mặn mà sinh nhiều con, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo tại Trung Quốc.
Giá bất động sản cao cùng chi phí giáo dục lớn, đặc biệt tại các thành phố lớn, thường được chỉ ra là những nguyên nhân hàng đầu khiến các cặp đôi không muốn sinh thêm con. Cả hai lĩnh vực này đều gây chú ý lớn tại Trung Quốc với làn sóng vỡ nợ của các công ty bất động sản mà mở màn là tập đoàn Evergrande và việc Chính phủ Trung Quốc siết quản lý mạnh tay với ngành công nghiệp dạy thêm tư nhân.