Tỷ lệ sinh toàn cầu sẽ giảm trong nhiều thập kỷ tới
Một nghiên cứu mới dự đoán rằng tỷ lệ sinh toàn cầu - đã giảm ở tất cả các nước kể từ năm 1950 - sẽ tiếp tục giảm mạnh cho đến cuối thế kỷ này, dẫn đến sự thay đổi nhân khẩu học sâu sắc.
Theo nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) được công bố trên tạp chí Lancet, tỷ lệ sinh trên toàn cầu đã giảm từ 4,84 năm 1950 xuống 2,23 vào năm 2021 và sẽ tiếp tục giảm xuống 1,59 vào năm 2100.
“Những gì chúng ta đang trải qua hiện nay và đã trải qua trong nhiều thập kỷ, là điều chúng ta chưa từng thấy trước đây trong lịch sử loài người, đó là một sự thay đổi quy mô lớn, xuyên quốc gia, đa văn hóa theo hướng ưa thích và có những gia đình nhỏ hơn”, Tiến sĩ Jennifer D. Sciubba, một nhà nhân khẩu học cho biết.
Tiến sĩ Christopher Murray, tác giả chính của nghiên cứu và giám đốc IHME cho biết, có nhiều lý do dẫn đến sự thay đổi này, bao gồm tăng cơ hội cho phụ nữ trong giáo dục và việc làm cũng như khả năng tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ tránh thai và sức khỏe sinh sản.
Tiến sĩ Gitau Mburu, nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các yếu tố kinh tế như chi phí trực tiếp để nuôi dạy con cái, nhận thức về nguy cơ tử vong ở trẻ em và sự thay đổi các giá trị về bình đẳng giới và sự tự hoàn thiện bản thân là tất cả những yếu tố có thể góp phần làm giảm tỷ lệ sinh. Ngoài ra, sự đóng góp tương đối của các yếu tố này thay đổi theo thời gian và tùy theo quốc gia.
Để duy trì dân số ổn định, các quốc gia cần có tổng tỷ suất sinh là 2,1 trẻ em trên một phụ nữ, một con số được gọi là mức thay thế. Khi tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức thay thế, dân số bắt đầu co lại.
Phân tích mới ước tính rằng 46% quốc gia có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế vào năm 2021. Con số đó sẽ tăng lên 97% vào năm 2100, nghĩa là dân số của hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ giảm vào cuối thế kỷ này.
Một phân tích trước đây của IHME công bố trên tạp chí Lancet vào năm 2020 dự đoán rằng dân số thế giới sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2064 ở mức khoảng 9,7 tỷ người và sau đó giảm xuống còn 8,8 tỷ người vào năm 2100. Một dự báo khác của Cơ quan Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 của Liên Hợp Quốc đã dự đoán dân số thế giới sẽ đạt đỉnh 10,4 tỷ người vào những năm 2080.
Bất kể thời điểm chính xác của dân số thế giới đạt đỉnh điểm là gì, dân số này có thể sẽ bắt đầu giảm vào nửa sau của thế kỷ này, với những hậu quả nghiêm trọng về địa chính trị, kinh tế và xã hội.
Thế giới bị chia rẽ về mặt nhân khẩu học
Theo phân tích, mặc dù tỷ lệ sinh đang giảm ở tất cả các quốc gia nhưng tốc độ giảm không đồng đều, tạo ra sự thay đổi trong phân bố trẻ sinh sống trên toàn cầu.
Nghiên cứu dự đoán rằng tỷ lệ trẻ sinh sống trên thế giới ở các khu vực thu nhập thấp sẽ tăng gần gấp đôi từ 18% vào năm 2021 lên 35% vào năm 2100. Riêng khu vực châu Phi cận Sahara sẽ chiếm 1/2 trẻ em được sinh ra trên hành tinh vào năm 2100.
Theo phân tích, sự thay đổi trong phân bố trẻ sinh sống sẽ tạo ra một “thế giới bị chia rẽ về mặt nhân khẩu học”, trong đó các quốc gia có thu nhập cao phải đối mặt với hậu quả của dân số già và lực lượng lao động suy giảm trong khi các khu vực có thu nhập thấp duy trì tỷ lệ sinh cao gây căng thẳng cho các nguồn lực hiện có.
Tiến sĩ Teresa Castro Martín, giáo sư của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha cho biết: “Đóng góp quan trọng của nghiên cứu là làm nổi bật sự tương phản về nhân khẩu học giữa các quốc gia giàu nhất (với tỷ lệ sinh rất thấp) và các quốc gia nghèo nhất (với tỷ lệ sinh vẫn cao)…Trên toàn cầu, số ca sinh sẽ ngày càng tập trung ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, bất ổn chính trị, nghèo đói và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh”.
Tỷ lệ sinh thấp ở các nước thu nhập cao
Các quốc gia có thu nhập cao với tỷ lệ sinh giảm mạnh sẽ trải qua sự thay đổi theo hướng dân số già, điều này sẽ gây áp lực lên bảo hiểm y tế quốc gia, các chương trình an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe. Theo nghiên cứu, họ cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các chính sách đạo đức và hiệu quả khuyến khích đổi mới lao động và nhập cư, như những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, có thể giúp giảm một số tác động kinh tế của sự thay đổi nhân khẩu học này.
Hiện tại, nhiều nền kinh tế tiên tiến đã có tỷ lệ sinh thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế. Đến giữa thế kỷ này, danh mục đó sẽ bao gồm các nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, với tỷ lệ sinh của Hàn Quốc xếp ở mức thấp nhất toàn cầu ở mức 0,82.
Phân tích cũng xem xét tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sinh sản mà một số quốc gia đã thực hiện, chẳng hạn như trợ cấp chăm sóc trẻ em, kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ và ưu đãi thuế. Nhưng mặc dù các chính sách hỗ trợ cha mẹ có thể mang lại lợi ích cho xã hội vì những lý do khác, nhưng chúng dường như không thay đổi được quỹ đạo của sự thay đổi nhân khẩu học hiện nay.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng không nên sử dụng tỷ lệ sinh thấp và tác động khiêm tốn của các chính sách sinh đẻ để biện minh cho các biện pháp ép buộc phụ nữ sinh nhiều con hơn, chẳng hạn như hạn chế quyền sinh sản và hạn chế tiếp cận các biện pháp tránh thai.
Trong khi dân số giảm đang đặt ra những thách thức lớn về kinh tế và xã hội, nhưng nó cũng mang lại những lợi ích về môi trường.
Dân số toàn cầu nhỏ hơn có thể giảm bớt căng thẳng về tài nguyên toàn cầu và giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết, việc tăng mức tiêu thụ bình quân đầu người do phát triển kinh tế có thể bù trừ những lợi ích này.
Tỷ lệ sinh nhiều hơn ở các nước thu nhập thấp
Trong khi đó, tỷ lệ sinh nhiều hơn ở các nước thu nhập thấp sẽ đe dọa an ninh lương thực, nước và các tài nguyên khác và sẽ khiến việc cải thiện tỷ lệ tử vong ở trẻ em càng trở nên khó khăn hơn. Phân tích dự đoán, sự bất ổn chính trị và các vấn đề an ninh cũng có thể nảy sinh ở những khu vực dễ bị tổn thương này.
Các dự đoán cho thấy rằng việc cải thiện khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại và giáo dục cho phụ nữ - hai yếu tố chính thúc đẩy khả năng sinh sản - sẽ làm giảm tỷ lệ sinh và hạn chế sự gia tăng tỷ lệ sinh sống ở các quốc gia thu nhập thấp.
Theo nghiên cứu, ở châu Phi cận Sahara, giáo dục phổ cập cho phụ nữ hoặc tiếp cận phổ cập các biện pháp tránh thai vào năm 2030 sẽ mang lại tổng tỷ lệ sinh khoảng 2,3 vào năm 2050, so với 2,7 trong kịch bản tham khảo.
Ngoài ra, những thay đổi này sẽ góp phần trao quyền cho phụ nữ và góp phần mang lại những lợi ích xã hội quan trọng.