Tỷ lệ sinh viên nữ ở Nhật Bản tăng kỷ lục

Theo khảo sát mới đây của chính phủ Nhật Bản, số lượng sinh viên nữ trong năm 2019 đã đạt mốc kỷ lục. Mặc dù tăng về số lượng, nhưng sự khác biệt về các chuyên ngành đăng ký học cho thấy vấn đề bình đẳng giới ở Nhật Bản vẫn còn rất nhiều bất cập.

 Trường Đại học Keio (Tokyo), một trong những trường thu hút khá đông sinh viên nữ. Ảnh: King Salmon

Trường Đại học Keio (Tokyo), một trong những trường thu hút khá đông sinh viên nữ. Ảnh: King Salmon

Số lượng sinh viên nữ ở Nhật Bản ngày càng cao

Số lượng sinh viên nữ đăng ký học tại các trường đại học Nhật Bản trong thời gian 4 năm đạt mức 1,91 triệu, chiếm 45,5% tổng số sinh viên ở Xứ sở mặt trời mọc. Con số này chưa tính đến những trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, nơi các sinh viên chỉ học trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm. Đây cũng là số lượng sinh viên nữ cao kỷ lục trong lịch sử ngành giáo dục của Nhật Bản và bỏ xa số lượng sinh viên nữ trong năm 2018: 1,28 triệu sinh viên nữ (chiếm 43,9%).

Tuy số lượng sinh viên nữ ở Nhật Bản hiện nay tăng cao, nhưng tỷ lệ các ngành học lại rất khác biệt so với sinh viên nam. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, tính đến tháng 5/2020, có tới 80% phụ nữ đăng ký vào các trường đại học liên quan đến nghệ thuật. Theo truyền thống, các ngành học phổ biến nhất đối với phụ nữ là giáo dục, văn học, điều dưỡng và dược, nơi số lượng phụ nữ tốt nghiệp nhiều hơn nam giới.

Ngược lại, nam giới thống trị các lĩnh vực có uy tín hơn trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Trong khoa học, sinh viên nam chiếm 72%, với nữ là 28%. Trong lĩnh vực kỹ thuật, khác biệt còn lớn hơn với 84% nam giới, nữ giới chỉ chiếm 16%.

Ở Nhật Bản, sinh viên nữ vẫn chưa được đối xử bình đẳng so với sinh viên nam. Ảnh: nikkei.com

Ở Nhật Bản, sinh viên nữ vẫn chưa được đối xử bình đẳng so với sinh viên nam. Ảnh: nikkei.com

Bà Satoko Nagaoki, Phó Giáo sư nghiên cứu về giới tại Đại học Keio, cho biết: "Hiện nay, số lượng sinh viên nữ đang ngày một đông. Mặc dù vậy, vẫn có những bất cập trong vấn đề bình đẳng giới ngay tại nhà trường".

Trường Đại học Tokyo là một ví dụ điển hình khi chỉ có khoảng 20% sinh viên nữ. Bất chấp những nỗ lực thay đổi xu hướng của lãnh đạo nhà trường, số lượng sinh viên nữ học tập ở đây vẫn rất khiêm tốn trong suốt 2 thập kỷ qua.

Năm 2017, trường Đại học Tokyo thậm chí còn áp dụng chính sách hỗ trợ 30.000 yên (khoảng 290 USD) tiền trọ cho sinh viên nữ. Ngoài ra, trường cũng có rất nhiều chương trình khuyến mại, ưu tiên phụ nữ nộp đơn vào trường, nhưng số lượng vẫn không tăng là bao.

Theo Giáo sư Chizuko Ueno của trường Đại học Tokyo, các chuẩn mực của xã hội Nhật Bản vốn ràng buộc phụ nữ với trách nhiệm gia đình đã ngăn cản họ đến trường, dẫn đến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Bà Ueno thậm chí còn khẳng định, nhiều cô gái có học lực tốt hơn hẳn các chàng trai, nhưng họ lại không có cơ hội để giảng đường đại học.

Nền giáo dục phản ánh quan niệm xã hội

Trong nhiều thập kỷ qua, ngành giáo dục đại học Nhật Bản không biết do vô tình hay hữu ý, đã chạy theo xu hướng, quan niệm của xã hội Nhật Bản. Ở đó, nam giới được ưu ái để được theo học đại học 4 năm, trở thành trụ cột của gia đình. Trong khi đó, phụ nữ thường bị mặc định là ở nhà chăm sóc gia đình hoặc nếu có đi học thì cũng chỉ nên tham gia các trường cao đẳng, trung cấp với thời gian ngắn hơn so với bậc đại học.

Dù sao thì trong những năm gần đây, xu hướng đó đã thay đổi, có chiều hướng có lợi cho nữ giới. Phụ nữ Nhật Bản giờ đây muốn cạnh tranh với đàn ông để có được sự nghiệp vững chắc. Điều này dẫn đến số lượng sinh viên nữ đăng ký học đại học cao hơn. Theo thống kê của Bộ Giáo dục, hiện nay, số lượng trường cao đẳng, trung cấp hệ 2 năm ở Nhật Bản đã giảm xuống còn khoảng 300 trường trong khi cách đây 20 năm, con số này là 500.

Cách đây không lâu, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã cho áp dụng chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động ở Nhật Bản (Womenomics). Ông Abe cam kết nâng tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong chính trị và quản lý kinh doanh lên 30% vào năm 2020 - mục tiêu đó hiện đã bị trì hoãn một thập kỷ.

Ông Abe cũng hứa hẹn cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống để thu hút nhiều phụ nữ đến làm việc hơn. Nhưng kết quả không hứa hẹn. Một cuộc khảo sát do Nikkei Research thực hiện cho Reuters vào ngày 15/10, cho thấy có đến 1/5 số lượng các công ty Nhật Bản không có quản lý là nữ. Hiện tại, nội các mới của Thủ tướng Yoshihide Suga chỉ có 2 nữ Bộ trưởng và phụ nữ chiếm ít hơn 10% số lượng các nhà lập pháp trong Hạ viện.

Sự chênh lệch giới cũng thể hiện rất rõ trong lĩnh vực giáo dục của Nhật Bản. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục vào tháng 12/2019, số lượng nam giới chiếm 82% trong số gần 70.000 giáo sư ở các trường đại học Nhật Bản, trong khi các nhà nghiên cứu nữ chiếm ít hơn 15%. Con số này là quá khiêm tốn so với mức trung bình 30% của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Sinh viên nữ ở Nhật Bản muốn cạnh tranh với nam giới để có được sự nghiệp vững chắc. Ảnh: The Japan Times

Sinh viên nữ ở Nhật Bản muốn cạnh tranh với nam giới để có được sự nghiệp vững chắc. Ảnh: The Japan Times

Vụ bê bối liên quan đến trường Đại học Y khoa Tokyo chỉnh sửa điểm thi đầu vào để loại bớt thí sinh nữ, ưu tiên cho thí sinh nam vào trường này xảy ra vào năm 2018 cho đến nay vẫn là một vết nhơ đối với ngành giáo dục của Nhật Bản. Và không chỉ trường Đại học Y khoa Tokyo, ít nhất 8 trường đại học khác ở Nhật Bản cũng đã để xảy ra những bê bối chỉnh sửa kết quả thi, gây tâm lý hoang mang với nhiều thí sinh.

Một số trường sau đó đã phải giảm chỉ tiêu tiếp nhận tân sinh viên trong năm học tới để có thể tiếp nhận số sinh viên họ từng đánh trượt trước đây vì các hành vi thao túng kết quả thi. Nhưng những biện pháp đó chỉ là cách giải quyết kiểu phần ngọn. Chừng nào tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" của xã hội Nhật Bản còn chưa được giải quyết triệt để, thì phụ nữ ở quốc gia Đông Á này vẫn sẽ còn phải chịu những thiệt thòi hết sức vô lý.

Nguồn: Theo universityworldnews.com

N.A

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ty-le-sinh-vien-nu-o-nhat-ban-tang-ky-luc-20201111094857976.htm