Tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học đạt hơn 54%
Sau 4 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018), hầu hết các địa phương vẫn thiếu thiết bị dạy học tối thiểu theo yêu cầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Theo thống kê của Vụ Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2023-2024, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình mới còn thấp, trung bình cả nước chỉ đáp ứng được 54,3%. Trong đó, cấp học mầm non đáp ứng được 47,9%, cấp tiểu học đáp ứng được 56,1%, cấp trung học cơ sở đáp ứng được 54,3% và cấp trung học phổ thông đáp ứng được 58,9%.
Đặc biệt, từ năm học 2022-2023, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên, đối với phòng học bộ môn Tin học, số lượng máy tính mới chỉ ở mức cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, đã được trang bị từ lâu, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới, tiên tiến để đáp ứng nhu cầu dạy học. Đối với bộ môn Ngoại ngữ, số lượng thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.
Theo ông Phạm Văn Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cả 3 cấp học đều trên cơ sở kế thừa những thiết bị cũ, chỉ bổ sung một số thiết bị mới. Tình trạng thiếu thiết bị dạy học một phần là do công tác mua sắm thiết bị dạy học của các địa phương gặp khó khăn.
“Năm 2022, Bộ đã ban hành công văn gửi các địa phương để thực hiện nhiệm vụ về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, trong đó có nêu cơ sở giáo dục chủ động rà soát thiết bị dạy học hiện có để sửa chữa (nếu hỏng hóc) để đưa vào dạy học, thứ 2 là lên kế hoạch mua sắm bổ sung chứ không phải là ta bỏ đi mua sắm mới. Đặc biệt, Sở Giáo dục đánh giá điều kiện phòng học, điều kiện trình độ sử dụng thiết bị của giáo viên để mua sắm cho phù hợp, tránh lãng phí. Trách nhiệm đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học trước hết thuộc về chính quyền địa phương các cấp. Trong những năm vừa rồi, việc mua sắm thiết bị dạy học nói chung rất khó khăn ở các địa phương, cũng nằm trong tình hình chung của cả nước”, ông Phạm Văn Sinh cho biết.