Tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh do tiêu thụ đồ uống có đường

Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, sâu răng cũng như các bệnh về răng miệng. Tất cả các loại nước ngọt thử nghiệm đều gây ăn mòn men răng.

Khám tư vấn dinh dưỡng để tránh béo phì cho trẻ. Ảnh: Huyền Trân.

Khám tư vấn dinh dưỡng để tránh béo phì cho trẻ. Ảnh: Huyền Trân.

Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bằng chứng toàn cầu cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng. Chúng cũng góp phần khiến mọi người thừa cân và béo phì. Đó là những vấn đề sức khỏe quan trọng, cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tình trạng khác, bao gồm ung thư.

Việt Nam cũng không ngoại lệ so với thế giới. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, trong 10 năm qua, người dân Việt Nam đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ một lít đồ uống có đường mỗi tuần. Hệ quả của xu thế này là tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 - 19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.

PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia lý giải, sử dụng đồ uống có đường không hợp lý đã được xác định là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. Trong bối cảnh bệnh béo phì ở trẻ em hiện là một vấn đề toàn cầu, cần hành động khẩn cấp. “Không dừng lại tại đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, sâu răng cũng như các bệnh về răng miệng. Tất cả các loại nước ngọt thử nghiệm đều gây ăn mòn men răng. Nước ngọt có hàm lượng canxi cao có tiềm năng ăn mòn thấp hơn. Giá trị pH thấp và hàm lượng citrate cao có thể gây ra sự mất men bề mặt nhiều hơn.

Theo bà Mai, để hạn chế đồ uống có đường, cần sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hòa tan…), bánh kẹo ngọt, mứt…

Đồng thời, hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn. Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Chọn các kích cỡ xuất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng. Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường. Chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô. Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn. Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.

Khuyến nghị về chính sách trong kiểm soát đồ uống có đường, TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cho rằng, hiện Việt Nam chưa có những chính sách tác động đến việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Do đó cần tập trung nhóm chính sách để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

“Đồ uống có đường cần bị áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời cần truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân, giáo dục dinh dưỡng bà mẹ và học sinh về đồ uống có đường; Kiểm soát quảng cáo, tiếp thị đến trẻ em về loại sản phẩm này. Đồng thời giảm tính sẵn có của các sản phẩm không lành mạnh trong trường học, đặc biệt tại thành phố lớn, bằng nhiều cách chẳng hạn như không bán những loại sản phẩm không lành mạnh tại các quầy bán nước tự động….” - bà Hạnh nói.

Dương Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ty-le-thua-can-va-beo-phi-tang-nhanh-do-tieu-thu-do-uong-co-duong-10284181.html