Tỷ phú nuôi bò vỗ béo
Mỗi năm xuất chuồng 100 con bò vỗ béo, thu lãi 1 tỷ đồng/năm. Đó là gương nông dân sản xuất giỏi - ông K'Hùng ở Tổ dân phố Kon Tách Đăng, thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà).
Năm 2015, từ nguồn vốn tích góp bấy lâu, ông Hùng quyết định đầu tư nuôi bò vỗ béo. “Ban đầu là 5 con, sau hơn 8 tháng nuôi tôi thu lợi mỗi con 15 triệu đồng. Nhận thấy nuôi bò là hướng đi đúng, tôi đã quyết định cầm cố đất đai, nhà cửa vay ngân hàng hơn 900 triệu đồng để đầu tư nuôi bò”, ông Hùng cho biết.
Nói là làm, ông Hùng học tập kinh nghiệm mô hình nuôi bò nhốt chuồng, kỹ thuật chăm sóc bò, phương pháp trồng cỏ, rồi xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt ... Cùng với đó, ông bắt tay chặt bỏ 2 ha cà phê chuyển qua trồng cỏ voi nuôi bò. Theo ông Hùng: Bất kể nghề gì, để có được thành công thì đòi hỏi mình phải kiên trì, chịu khó, thậm chí phải nếm cả “trái đắng” vì thất bại. Lúc đầu mới nuôi, có lợi nhuận, nhưng nuôi với số lượng lớn tôi cũng gặp không ít khó khăn, bởi bò bị các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm, long móng, đau mắt đỏ… Nhưng không nản chí, ông tìm cách khắc phục bằng cách học hỏi kinh nghiệm ở các trang trại khác. Vậy là từ năm 2018 đến nay, trang trại ông lúc nào cũng dao động từ 100-120 con bò.
Ông Hùng chia sẻ, mỗi năm có thể nuôi nhiều lứa, khâu chọn con giống rất quan trọng, nên chọn giống bò lai ngoại nhập siêu thịt như 3B (BBB), Brahman và Red angus thuần chủng của Úc và bò Chorolais của Pháp, thường chọn giống con đực vì phát triển nhanh hơn con cái. Cách nuôi bò khá đơn giản, chủ yếu là cỏ voi, rơm khô, cám gạo, cám ngô, sắn. Để bảo đảm đủ lượng thức ăn cho đàn bò trong mùa khô, mua thêm rơm khô, mật mía, thân cây ngô già, ủ thành hàng trăm tấn thức ăn dự trữ. Theo ông Hùng, để bò phát triển tốt phải có thức ăn thường xuyên, trong chuồng lắp một máng để rơm, một máng để cỏ và một máng để nước, bò có thể ăn, uống cả ngày lẫn đêm.
Đặc biệt, chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh, mỗi tuần phun khử trùng chuồng trại một lần, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải đóng bao để bón cho diện tích cỏ voi, vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí. Nhiều năm chăn nuôi bò, ông Hùng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, vỗ béo nên những con bò gầy sau khi mua về chỉ một vài tháng là béo tốt, khỏe mạnh và có thể xuất bán được. Cách nuôi bò vỗ béo của ông là tìm mua những con bê, bò gầy ốm rồi đưa về tẩy giun sán, tiêm phòng các loại vắc xin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng và một số loại bệnh khác. Hàng ngày cho bò ăn cỏ tươi xay kết hợp thức ăn tinh như cám ngô, cám vỗ béo bò thịt, bổ sung vitamin, làm vệ sinh cho bò và dọn chuồng trại sạch sẽ. Sau 3-4 tháng chăm sóc, từ những con bò gầy trơ xương dần trở nên béo núc có thể xuất bán.
Hàng năm, ông Hùng xuất bán khoảng 80-100 con bò với mức giá bình quân 45 triệu đồng/con, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư con giống, thức ăn, ông lãi hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông còn trồng thêm 1 ha dâu tằm, mỗi tháng ông nuôi 4 hộp thu về 30 triệu đồng/tháng.
Anh K’Bin, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn cho biết: “Ông K’Hùng là một trong những hội viên tiêu biểu về tăng gia sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng và là thành viên tích cực đứng ra thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò vỗ béo của thị trấn Đinh Văn.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/ty-phu-nuoi-bo-vo-beo-2996621/