Tỷ phú trên thế giới từ thiện có chiến lược
Giới siêu giàu trên thế giới có chiến lược rõ ràng khi làm từ thiện để kiểm soát, minh bạch dòng tiền, đồng thời chắc chắn việc thiện nguyện tới được đối tượng cần.
Những ngày này, tranh cãi xung quanh việc từ thiện của các nghệ sĩ nổi tiếng vẫn chưa đi đến hồi kết.
Trong bài viết riêng cho Zing, anh Nguyễn Tiến Danh, chủ tịch Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng và Giám đốc dự án của Quỹ hy vọng, cho rằng một số nghệ sĩ khác kêu gọi từ thiện theo hướng tự phát nhưng chưa có kế hoạch.
"Tôi nghĩ nghệ sĩ muốn có hoạt động thiện nguyện chuyên nghiệp hơn cần đồng hành với các tổ chức, quỹ từ thiện uy tín", anh Danh khẳng định.
Thực tế, trên thế giới, các triệu phú, tỷ phú hay người nổi tiếng thường chọn cách làm việc với các tổ chức, quỹ từ thiện, thay vì đứng ra nhận tiền quyên góp vào tài khoản cá nhân và tự đi phân phát.
Điều này được đánh giá là giúp quản lý, giải ngân số tiền tốt hơn, nhất là khi khoản đóng góp lên tới con số triệu USD, tỷ USD.
Đóng góp qua quỹ tư nhân
Trong khi người dân thường đóng góp cho các tổ chức từ thiện thông qua hình thức tự phát và trực tiếp, chẳng hạn như hòm ủng hộ hay chuyển khoản, những người giàu thường có chiến lược hơn nhằm kiểm soát được việc sử dụng lòng tốt của họ.
Theo Market Watch, phần lớn số tiền do giới tỷ phú, triệu phú làm từ thiện sẽ không được chuyển trực tiếp đến địa phương hay người dân, mà thông qua một bên khác.
Ở chiến dịch Giving Pledge do Bill Gates, vợ cũ Melinda Gates và tỷ phú Warren Buffett khởi xướng vào năm 2010, giới siêu giàu cam kết dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện.
Trong phần giới thiệu trên website, Giving Pledge cho biết các tỷ phú sẽ thực hiện cam kết của họ vào những thời điểm khác nhau và theo nhiều cách khác nhau: thông qua các tổ chức từ thiện truyền thống, các quỹ và tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm các quỹ của riêng họ; thông qua quỹ do các nhà tài trợ tư vấn; thông qua hoạt động từ thiện hợp tác hoặc đồng tài trợ, hoặc thông qua các phương thức từ thiện khác.
Các quỹ từ thiện tư nhân mang tên của chính vị tỷ phú cũng là cách họ tạo danh tiếng và ảnh hưởng đến cộng đồng.
Nhiều tỷ phú thường để lại một số tiền lớn cho quỹ tư nhân của mình. Điều này giúp ích khi họ qua đời, quỹ vẫn hoạt động và con cái có thể tiếp quản, qua đó tác động của họ đến xã hội vẫn còn kéo dài.
Ví dụ, với quỹ Bill & Melinda Gates Foundation của Bill Gates và vợ cũ Melinda Gates sáng lập.
Cả hai bắt đầu thành lập quỹ từ thiện vào năm 1994 và đặt tên ban đầu là Quỹ William H. Gates. Năm 2000, quỹ được sáp nhập với quỹ khuyến học Gates Learning Foundation và đổi thành tên như bây giờ.
Trước khi có biến động tài sản lớn do cuộc ly hôn của nhà sáng lập Microsoft, quỹ tư nhân này đã đóng góp trong nhiều lĩnh vực như sức khỏe cộng đồng, giáo dục và biến đổi khí hậu.
Những khoản tài trợ cũng đa dạng, từ dành cho các nhà sản xuất vaccine, thiết bị thử nghiệm và vật tư y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cho tới phát triển toilet sử dụng năng lượng mặt trời.
Từ thiện vào lĩnh vực quan tâm
Theo khảo sát của công ty tư vấn WealthX, 56% tỷ phú trên thế giới coi việc từ thiện là ưu tiên hàng đầu.
Theo giới chuyên gia, ngày nay, người giàu khi làm từ thiện đều muốn hiểu rõ về lĩnh vực mà họ sẽ cho tiền. Quan trọng hơn, họ sẽ cho tiền vào những khía cạnh họ quan tâm.
Các lĩnh vực mà tỷ phú Elon Musk từ thiện tập trung chủ yếu vào khoa học kỹ thuật, năng lượng sạch, sức khỏe trẻ em và du hành vũ trụ. Những lựa chọn này khá dễ hiểu, vì hầu hết chúng đều là những trọng tâm phát triển của tất cả công ty mà Musk đang lãnh đạo.
Là vị tỷ phú hiếm hoi không tham gia Giving Pledge, Jeff Bezos vẫn được biết đến với nhiều hoạt động quyên góp đa dạng, từ giúp trẻ em tại các quốc gia kém phát triển, cung cấp nơi ở cho người vô gia cư cho đến ủng hộ cựu quân nhân, hành động chống biến đổi khí hậu.
Giáo dục và y tế là hai mảng mà vợ chồng Mark Zuckerberg tập trung làm thiện nguyện. "Cha đẻ" của Facebook từng dành tặng 1,6 tỷ USD cho các dự án về sức khỏe, trong đó có hỗ trợ dịch bệnh Ebola.
Một bệnh viện ở San Francisco(Mỹ) được Mark Zuckerberg tặng 75 triệu USD để đầu tư cải thiện cơ sở vật chất. Năm 2014, ông chủ Facebook quyên 120 triệu USD cho các trường học ở khu vực Bay Area và 100 triệu USD cho hệ thống giáo dục ở New Jersey.
Sheryl Sandberg, COO của Facebook, điều hành quỹ đặt theo tên bà và người chồng quá cố. Quỹ này chú trọng đầu tư vào OptionB.Org, một tổ chức nhằm giúp phụ nữ ổn định và tiếp tục làm việc sau biến cố mất người thân - điều mà chính bà từng trải qua.
Việc làm từ thiện qua quỹ tư nhân, thay vì bản thân giữ tiền và giải ngân, cũng giúp việc phát hiện ra sai sót, hoạt động sai trái dễ dàng hơn.
Tháng 11/2019, cựu Tổng thống Donald Trump bị Tòa án New York buộc phải nộp 2 triệu USD để dàn xếp đơn kiện về sử dụng sai mục đích tiền từ quỹ từ thiện Trump Foundation.
Trước đó, vào tháng 6/2018, Tổng chưởng lý New York Barbara Underwood, cho biết quỹ từ thiện của Tổng thống Trump “nhiều lần cố ý kinh doanh vụ lợi” và vi phạm “nghĩa vụ pháp lý cơ bản” của một tổ chức phi lợi nhuận.
Tổng chưởng lý cho biết ông Trump đã sử dụng tên và nguồn tiền quỹ do công chúng đóng góp nhằm chi trả các khoản nợ pháp lý cá nhân, quảng bá cho khách sạn mang tên ông cùng các công việc kinh doanh khác và “mua đồ dùng cá nhân”.
Sau khi dính nhiều cáo buộc và lùm xùm, Trump Foundation tuyên bố dừng hoạt động vào giữa năm 2018.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ty-phu-tren-the-gioi-tu-thien-co-chien-luoc-post1219595.html