Tỷ phú Warren Buffett chỉ 5 bẫy tài chính người trung lưu nên tránh

Ngay cả khi sở hữu khối tài sản khổng lồ hơn 160 tỷ USD, tỷ phú Warren Buffett vẫn duy trì lối sống giản dị đến tối giản. Đằng sau sự tiết chế ấy là những bài học làm giàu vô cùng giá trị đối với tầng lớp trung lưu.

Triết lý tài chính của tỷ phú Buffett không chỉ nằm ở việc chọn cổ phiếu mà còn ăn sâu vào những quyết định chi tiêu hằng ngày. Chính những lựa chọn tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại thường quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình tích lũy tài sản dài hạn.

Việc hiểu rõ tư duy của Buffett giúp chúng ta tránh được những chiếc bẫy tài chính mà ông luôn cảnh báo, đồng thời học hỏi các nguyên tắc tài chính thiết thực để xây dựng nền tảng tài sản vững chắc theo thời gian.

Tỷ phú Warren Buffett (Ảnh: Yonhap)

Tỷ phú Warren Buffett (Ảnh: Yonhap)

Mua xe mới: Cái bẫy khấu hao và chi phí cơ hội

Tỷ phú Buffett cho rằng, việc mua xe mới là một trong những quyết định tài chính sai lầm và gây hại lớn nhất mà tầng lớp trung lưu thường mắc phải. Ngay khi chiếc xe rời khỏi đại lý, giá trị của nó lập tức sụt giảm mạnh, khiến ô tô trở thành một trong những loại tài sản có mức sinh lời thấp nhất.

Chính bản thân Buffett cũng là ví dụ tiêu biểu. Ông lái chiếc Cadillac DTS đời 2006 suốt gần một thập kỷ cho đến năm 2014 và chỉ thay xe mới vì con gái nài nỉ. Ông thậm chí còn ưu tiên mua xe đã bị mưa đá làm hư hỏng nhẹ chỉ vì giá rẻ hơn.

Buffett xem ô tô chỉ là phương tiện đi lại chứ không phải biểu tượng địa vị. Ông nhấn mạnh rằng, hiểu đúng về chi phí khấu hao và chi phí cơ hội là điều rất quan trọng. Khi một gia đình trung lưu bỏ ra hàng chục ngàn USD để mua xe mới, họ không chỉ mất tiền vì giá trị xe xuống nhanh chóng mà còn đánh mất cơ hội đầu tư số tiền đó vào những tài sản sinh lời.

Chênh lệch giá giữa xe mới và xe đã qua sử dụng chỉ vài năm có thể lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD. Nếu số tiền này được đầu tư vào quỹ chỉ số trong thời gian dài, lợi nhuận tích lũy theo thời gian sẽ rất đáng kể.

Do đó, Buffett thường chọn mua xe cũ, đáng tin cậy, đủ dùng, tiết kiệm chi phí và giúp ông dành tiền đầu tư vào những lĩnh vực sinh lời thực sự.

Tiêu dùng vay nợ lãi suất cao: Lợi nhuận kép đảo ngược

Tỷ phú Buffett từng nói: “Nếu tôi phải vay với lãi suất 18% hay 20%, tôi đã phá sản từ lâu”.

Với người trung lưu, nợ thẻ tín dụng chính là cái bẫy tài chính âm thầm nhưng cực kỳ nguy hiểm. Buffett luôn phản đối việc vay với lãi suất cao vì ông hiểu rõ hiệu ứng lãi kép có thể trở thành con dao hai lưỡi tích lũy tài sản nếu dùng đúng, nhưng cũng có thể tàn phá tài chính nếu để nợ sinh sôi.

Buffett cho rằng, khi lãi suất quá cao, khoản nợ sẽ phình to theo thời gian, khiến người vay mãi không thoát khỏi vòng luẩn quẩn trả nợ làm cản trở quá trình tích lũy tài sản. Tỷ phú Buffett cũng rất hạn chế dùng thẻ tín dụng, ưa chuộng thanh toán bằng tiền mặt để kiểm soát chi tiêu tốt hơn.

Vị tỷ phú khuyên khi nghĩ đến bất kỳ khoản đầu tư nào, hãy ưu tiên trả hết các khoản nợ có lãi suất cao. Vì tiết kiệm được lãi suất cao là một lợi nhuận chắc chắn, trong khi đầu tư luôn đi kèm với rủi ro và lợi nhuận không bảo đảm.

Xét về toán học, điều này hoàn toàn hợp lý: nếu bạn đang trả lãi 18% cho nợ thẻ tín dụng, thì bạn cần một khoản đầu tư sinh lời vượt mức đó mới có lời, điều rất khó trong thực tế.

Cờ bạc và xổ số: “Thuế trí tuệ” dựa trên kỳ vọng âm

Tỷ phú Buffett từng nhiều lần lên án cờ bạc và xổ số, xem đó là ảo tưởng làm giàu và là cách đốt tiền nhanh chóng. Cốt lõi của quan điểm này nằm ở hiểu biết về “kỳ vọng lợi nhuận” và “xác suất”.

Khác với đầu tư nơi Buffett phân tích kỹ lưỡng để chọn cơ hội có xác suất thành công cao thì cờ bạc vốn dĩ là hoạt động có kỳ vọng lợi nhuận âm. Các sòng bài và hệ thống xổ số được thiết kế để nhà cái luôn thắng, người chơi gần như chắc chắn thua về lâu dài.

Điều này hoàn toàn trái ngược với triết lý làm giàu của Buffett: không chạy theo sự hào nhoáng nhất thời, không mơ làm giàu trong một đêm mà kiên trì tiết kiệm và đầu tư có hệ thống.

Nếu xét cờ bạc và xổ số dưới góc độ chi phí cơ hội, hậu quả càng rõ ràng. Thay vì bỏ vài chục hoặc vài trăm nghìn mỗi tháng cho vé số hay trò may rủi, hãy định kỳ đầu tư số tiền ấy vào quỹ chỉ số, sau vài chục năm, nhờ hiệu ứng lãi kép, bạn có thể sở hữu một khoản tài sản thật sự.

Mua nhà quá lớn: Nguồn gốc của áp lực tài chính

Chi phí nhà ở thường là khoản chi lớn nhất với các gia đình trung lưu. Vì vậy, quan điểm của Buffett về nhà ở có giá trị tham khảo rất cao. Ông phản đối tư tưởng “nhà càng to càng tốt” hay “mua nhà luôn là đầu tư tốt”.

Từ năm 1958 đến nay, Buffett vẫn sống trong căn nhà ông mua ở Omaha với giá chưa đến 32.000 USD. Đó là minh chứng cho quan điểm nhà ở chỉ nên đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chứ không nên trở thành gánh nặng tài chính.

Một ngôi nhà càng rộng, chi phí kéo theo càng nhiều từ tiền vay, thuế, điện nước, bảo trì cho đến nội thất. Nhiều người vì mua “ngôi nhà lớn nhất có thể mua” mà phải cắt giảm đầu tư, mất đi khả năng tích lũy tài sản sinh lời. Trạng thái này được gọi là "nghèo vì nhà" – vẻ ngoài giàu có nhưng bên trong cạn kiệt tài chính.

Buffett khuyên chỉ nên mua nhà vừa đủ dung và giữ lại vốn để đầu tư hiệu quả hơn. Theo ông, tài sản thật sự nằm ở khoản đầu tư có thể tăng giá trị chứ không phải căn nhà chỉ tiêu hao tiền mỗi ngày.

Đầu tư phức tạp và sản phẩm tài chính khó hiểu

Tỷ phú Buffett nổi tiếng với câu: “Đừng bao giờ đầu tư vào thứ bạn không hiểu”. Ông khuyên nhà đầu tư trung lưu nên tránh xa những sản phẩm tài chính phức tạp, chi phí cao hay các xu hướng đầu tư theo trào lưu.

Nhiều người bị thu hút bởi cổ phiếu nóng, sản phẩm tài chính phức tạp hay lời mời gọi hấp dẫn từ các công ty môi giới mà không thật sự hiểu mình đang mua gì. Điều này cực kỳ rủi ro.

Thay vào đó, Buffett ủng hộ việc đầu tư vào các quỹ chỉ số chi phí thấp, đơn giản, dễ hiểu, đa dạng hóa rủi ro, ít phí quản lý và có thể sinh lời ổn định trong dài hạn.

Không cần phải là chuyên gia, bạn chỉ cần đều đặn đầu tư vào quỹ chỉ số mô phỏng toàn thị trường, phương pháp này được Buffett khuyên dùng cho đại đa số nhà đầu tư cá nhân.

Tóm lại, dù là tỷ phú, Buffett vẫn duy trì những nguyên tắc rất “đời thường” mà người trung lưu nào cũng có thể học theo: sống tiết kiệm, tránh nợ xấu, tránh rủi ro không cần thiết và kiên trì tích lũy tài sản thông qua các khoản đầu tư đơn giản mà hiệu quả. Chính sự kỷ luật và tư duy dài hạn ấy mới là chìa khóa tạo ra sự giàu có bền vững.

T. Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/ty-phu-warren-buffett-chi-5-bay-tai-chinh-nguoi-trung-luu-nen-tranh-d206906.html