Ðưa nhịp sống trở lại bình thường
ĐBP - Thực hiện nhiệm vụ 'mục tiêu kép' vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ðiện Biên tiếp tục quán triệt tinh thần 'chống dịch như chống giặc', đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phát huy hiệu quả tại chỗ, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh song có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường.
Người lao động Nông trường Cao su Tuần Giáo được khám sức khỏe khi trở lại làm việc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu được phép mở cửa hoạt động bình thường đều tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; khuyến khích khách hàng mua về sử dụng. Các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở làm đẹp, quán game, phòng tập gym... khi hoạt động trở lại đều tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch: Bố trí nước sát khuẩn, nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang... Thời điểm này số lượng người mua sắm, sử dụng các loại dịch vụ cơ bản đã trở lại bình thường. Chị Trần Thị Giang, chủ khách sạn Cây Tùng (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Dù số lượng phòng không nhiều, song sau khi hoạt động trở lại đến thời điểm này lượng người đặt phòng khá ổn định. 12 phòng hầu như ngày nào cũng kín, chủ yếu là khách quen. Giá phòng trước và sau thời điểm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 không có sự điều chỉnh, trung bình từ 200.000 - 400.000 đồng/phòng/ngày đêm, song khách sạn luôn đảm bảo các điều kiện phòng dịch tốt nhất, chuẩn bị sẵn khẩu trang y tế, nước sát khuẩn... Lễ tân nhắc nhở khách thực hiện đúng quy định phòng dịch của Bộ Y tế.
Chị Giang hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nhân tỉnh. Câu lạc bộ hiện có 45 hội viên tham gia sinh hoạt. Hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên rất đa dạng từ kinh doanh nhà hàng, khách sạn; văn phòng phẩm; xăng dầu tới thi công xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng… Chị Giang cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cơ bản các lĩnh vực kinh doanh của hội viên thời gian qua đều bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn... Giúp hội viên vượt khó, chị em trong câu lạc bộ đã chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ vốn cùng sản xuất kinh doanh và ưu tiên sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của các hội viên. Ðơn cử như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng thì sử dụng vật liệu xi măng, sắt, thép, xăng dầu… cho những hội viên kinh doanh lĩnh vực này và ngược lại. Từ đó đã hỗ trợ rất nhiều cho các hội viên khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dù vẫn là tỉnh có dịch Covid-19, song trong tình hình cụ thể là tỉnh đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Sau ngày 4/2 (thời điểm ghi nhận 3 trường hợp nhiễm Covid-19) đến nay trên địa bàn tỉnh đã không ghi nhận ca mắc mới. Cùng với việc luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch thì quan điểm của tỉnh là phải thực hiện tốt “mục tiêu kép” phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các lĩnh vực. Chính vì vậy tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch có thể bùng phát và kéo dài trong phạm vi cả nước và trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động đồng thời phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho công nhân, người lao động...
Nông trường Cao su Tuần Giáo hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn “cửa ngõ” tỉnh và huyện Mường Ảng - nơi có 2 ca bệnh dương tính với Covid-19. Chính vì vậy công tác phòng chống dịch cho 207 cán bộ, công nhân viên, lao động của Nông trường luôn được đặt ở mức cao nhất. Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ tết, số lao động về quê trở lại làm việc được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Nông trường cho biết: Ðơn vị bước vào giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cho mùa khai thác mủ mới vào tháng 4 tới. Hiện đang là cao điểm mùa khô nên một phần nhân lực được phân công trực 24/24 giờ phòng chống cháy, bảo vệ vườn cây; phần nhân lực còn lại chuẩn bị vật tư, kiểm tra thay mới máng cạo hỏng, xuống cấp; nâng cao tay nghề cạo mủ... Quá trình làm việc người lao động được trang bị bảo hộ đầy đủ, tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Mùa khai thác mủ cao su năm nay, Nông trường đưa vào khai thác khoảng 900ha/1.435,9ha. Nông trường phấn đấu đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng (tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng so với năm 2020).