Ðưa thương mại điện tử đến gần doanh nghiệp

Hiện nay, thương mại điện tử (TMÐT) ngày càng trở nên phổ biến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cơ bản đã ứng dụng TMÐT vào sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau như: email, sàn TMÐT, website, các kênh, trang mạng xã hội.

Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Thời gian qua, Sở đã phối hợp với nhiều ngành, đơn vị, địa phương phát triển TMÐT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh. Ðồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong TMÐT, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Ðến nay từng bước đạt kết quả tích cực”.

Theo Hiệp hội TMÐT Việt Nam, TMÐT tỉnh Cà Mau đã và đang có những bước phát triển. Trong đó, năm 2023, xếp hạng 40/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc so với năm 2022 (năm 2022 là 47/63 tỉnh, thành). Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh năm 2023 ước đạt 83.500 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch, tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ trọng TMÐT ước đạt 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh.

Ðến thời điểm hiện tại, tỉnh đã xây dựng hoàn thành và vận hành Dự án Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành công thương. Qua nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn thương mại, hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài góp phần đào tạo kỹ năng, kết nối cung cầu, thông tin thị trường xuất khẩu đến các doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thêm kênh thông tin về tình hình, nhu cầu của thị trường thế giới; tạo môi trường để kết nối, xúc tiến xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường Việt Nam có tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Cùng với đó, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp và mặt hàng chủ lực. Ðồng thời, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng bảo hộ, quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù và đặc sản ở địa phương với mục tiêu nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong quá trình phát triển và hội nhập, từ đó định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh được hỗ trợ tiêu thụ qua kênh TMÐT.

Các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh được hỗ trợ tiêu thụ qua kênh TMÐT.

Tính riêng năm 2023, có 26 chủ thể với 38 sản phẩm OCOP được hỗ trợ tham gia Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm của tỉnh. Ðồng thời, đã hỗ trợ 19 doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng 8 nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh, gồm các nội dung kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; đánh giá chất lượng hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng mã số mã vạch; thiết kế nhãn hàng hóa.

HTX Ba khía Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) là một trong những HTX ứng dụng thành công sử dụng công nghệ số để quảng bá sản phẩm từ website, mạng xã hội, sàn TMÐT..., đặc biệt là sử dụng AI trong việc quảng bá, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Sản phẩm của HTX đứng tốp 9 sản phẩm bán chạy nhất trên sàn TikTok. Chính việc ứng dụng nền tảng công nghệ số TikTok thông qua việc xây dựng video và livestream trực tiếp bán hàng đã đem lại hiệu quả cao.

Bà Trần Thị Xa, Giám đốc HTX Ba khía Ðầm Dơi, chia sẻ: "Từ khi ứng dụng các nền tảng số, mỗi ngày có từ 100-200 đơn lẻ, kết hợp với thị trường truyền thống bán sỉ, bình quân ra đơn từ 500 kg đến 1 tấn hàng tùy thời điểm. Ða dạng sản phẩm, thị trường tiêu thụ rộng cả trong và ngoài nước, tăng doanh thu, nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương qua nền tảng chuyển đổi số”.

Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh quản lý, vận hành hiệu quả các sàn TMÐT để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm qua kênh TMÐT. Hiện 2 sàn TMÐT (madeincamau.com, postmart.vn) được đưa vào app chính quyền điện tử (CaMau-G). Số lượng tài khoản người bán trên 2 sàn TMÐT là 5.566 tài khoản. Số lượng tài khoản người mua là 125.093 tài khoản. Tổng số nông sản lên sàn 706 sản phẩm. Tổng số sản phẩm OCOP lên sàn 119 sản phẩm.

Riêng sàn TMÐT tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) đến nay có 82 tài khoản người bán (82 shop/cửa hàng) với hơn 635 sản phẩm hàng hóa, có 767 tài khoản thành viên, hơn 20 ngàn lượt truy cập và có 203 đơn hàng phát sinh.

Sàn TMÐT tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) có 82 tài khoản người bán (82 shop/cửa hàng), với hơn 635 sản phẩm hàng hóa, có 767 tài khoản thành viên, hơn 20 ngàn lượt truy cập và 203 đơn hàng phát sinh.

Sàn TMÐT tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) có 82 tài khoản người bán (82 shop/cửa hàng), với hơn 635 sản phẩm hàng hóa, có 767 tài khoản thành viên, hơn 20 ngàn lượt truy cập và 203 đơn hàng phát sinh.

“Cùng với các giải pháp TMÐT, thông qua các đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất ứng dụng các công nghệ số cải tiến máy móc thiết bị, mô hình sản xuất, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, năm 2023, hỗ trợ xây dựng 2 mô hình (sản xuất sản phẩm mới, sản xuất sạch hơn), 3 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,15 tỷ đồng", ông Dương Vũ Nam thông tin thêm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, một số doanh nghiệp hiện còn ít quan tâm đến chuyển đổi số và TMÐT. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số, phát triển TMÐT còn ít (xây dựng website, xây dựng dữ liệu số về thương mại, thuê nhân sự TMÐT chuyên trách quản lý và chăm sóc website, gian hàng trên các kênh TMÐT...). Các hộ sản xuất nông nghiệp có các sản phẩm OCOP tham gia sàn TMÐT còn ít, do nguồn cung chỉ đủ phục vụ hoạt động kinh doanh truyền thống.

Số lượng gian hàng trên sàn TMÐT tỉnh còn hạn chế, chưa đạt so với kế hoạch (150 tài khoản), sản phẩm chưa phong phú, hình ảnh, thông tin sản phẩm chưa thu hút. Nguyên nhân là do việc mời gọi doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia sàn gặp khó khăn; doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc tự quản lý và vận hành gian hàng của mình trên sàn.

Cùng với đó, các sàn TMÐT của đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước: madeincamau.com, postmart.vn (Sàn voso.vn tạm ngừng hoạt động) khó cạnh tranh với các sàn TMÐT của doanh nghiệp bên ngoài như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Hotdeal.

“Thời gian tới, Sở sẽ tập trung xây dựng thị trường và nâng cao nhận thức, lòng tin cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong TMÐT, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMÐT. Ứng dụng TMÐT, các nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tìm kiếm thông tin, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa. Ðồng thời, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMÐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về TMÐT”, ông Dương Vũ Nam nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dua-thuong-mai-dien-tu-den-gan-doanh-nghiep-a31428.html