UAE: Luật mới chỉ rõ các vi phạm, phạt nhà bán lẻ tăng giá trái phép
Bộ Kinh tế của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đang làm việc để soạn thảo dự luật cập nhật Luật liên bang số 15. 2022 về bảo vệ người tiêu dùng (sau đây gọi là Luật Bảo vệ người tiêu dùng).
Theo đó, Luật sẽ bổ sung thêm nhiều chi tiết hơn, bao gồm các hình phạt cụ thể đối với các nhà bán lẻ và các cơ sở khác vi phạm quyền của người tiêu dùng.
Theo Khaleej Times, ông Abdullah Sultan Al Fan Al Shamsi, Trợ lý Thứ trưởng phụ trách mảng giám sát và theo dõi của Bộ Kinh tế UAE cho hay, dự luật mới cập nhật Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được tham vấn với các bên liên quan ở cấp địa phương lẫn liên bang, khu vực tư nhân, các viện và dự kiến sẽ được đưa ra vào nửa đầu năm 2023. Dự luật sẽ đề cập đến nhiều khía cạnh và nội dung được làm rõ hơn. Ví dụ, khi có vi phạm, nếu hàng mua bị lỗi, mức phạt sẽ như thế nào thì khách hàng có thể khiếu nại hoặc nêu vấn đề với cơ quan chức năng nếu không có phản hồi từ nhà cung cấp. Ông Al Shamsi cho biết, những kiểu chi tiết như thế sẽ được đưa ra trong bản cập nhật về quyền của người tiêu dùng.
Được biết, trong năm 2022, Bộ Kinh tế UAE tiến hành 94.123 cuộc thanh tra, phát hiện 4.227 vi phạm. Năm 2023, số lượt thanh tra, kiểm tra trong các tháng đầu năm 2023 là 8.170 cuộc, phát hiện 1.030 trường hợp vi phạm.
Ông Al Shamsi cho biết, người tiêu dùng ngày nay rất thông minh và họ báo cáo các vi phạm cho Bộ để giúp bảo vệ quyền lợi của chính mình. Do đó, các nhà cung cấp hiện không dễ thao túng khách hàng. Điều này thực sự tốt cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật vì việc giám sát vi phạm đến từ chính khách hàng.
Ông cũng cho biết, Bộ Kinh tế đã suy nghĩ xây dựng cơ chế mới giúp xác thực và lý giải việc tăng giá theo đề nghị của các nhà bán lẻ, bằng cách chỉ định các cơ quan kiểm toán chuyên ngành bên ngoài để bảo đảm rằng Bộ đang đi đúng hướng trong việc cấp phép thay đổi giá. Ông nhấn mạnh, Bộ bảo đảm các nhà cung cấp không áp dụng việc tăng giá vô lý, tăng cường các cơ chế chống độc quyền và thúc đẩy các hoạt động thương mại lành mạnh.
Ông Al Shamsi đồng thời kêu gọi người tiêu dùng tuân thủ phương pháp mua hàng có ý thức, chẳng hạn như giữ hóa đơn, bởi đây là bước đầu tiên để bảo đảm quyền lợi. Bởi họ “có thể được đệ trình lên các cơ quan chính phủ có liên quan trong trường hợp có bất kỳ khiếu nại nào vi phạm quyền của họ với tư cách là người tiêu dùng”.