UAV MQ-1C 'Đại bàng xám' được nâng cấp để có thể hoạt động trên tàu sân bay

UAV MQ-1C Gray Eagle (Đại bàng xám) đang được nâng cấp để có thể cất và hạ cánh đường băng ngắn, điều này cho phép chúng có thể hoạt động trên tàu sân bay, nâng cao sức mạnh cho không quân Mỹ.

Hãng General Atomics Aeronautical Systems (GA-ASI) cho biết đang tiến hành nghiên cứu để máy bay không người lái UAV MQ-1C Gray Eagle có thể cất cánh và hạ cánh với đường băng ngắn.

Điều này cho phép dòng UAV nổi tiếng này của Mỹ có thể hoạt động trên tàu sân bay, khi cần.

Việc này tăng cường sức mạnh cho hải quân Mỹ, đặc biệt ở khu vực Thái Bình Dương, nơi được dự đoán sẽ là tồn tại những xung đột trong tương lai.

UAV MQ-1C Gray Eagle ban đầu được phát triển cho hoạt động tác chiến của Mỹ ở khu vựcTrung Đông.

Chiếc máy bay không người lái được thiết kế để cất cánh và hạ cánh tự động, chúng có thể thi hành nhiệm vụ ngoài tầm nhìn thông qua liên lạc vệ tinh.

Những cải tiến dành cho UAV MQ-1C Gray Eagle để có thể hoạt động trên tàu sân bay hiện đang được thử nghiệm tại Nam California.

Được biết dự án nghiên cứu để UAV MQ-1C Gray Eagle có thể cất và hạ cánh đường băng ngắn đã được phát triển vào năm 2021.

Một khi phát triển thành công, việc UAV MQ-1C Gray Eagle có thể hoạt động trên tàu sân bay sẽ mở ra năng lực tác chiến mới cho hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương.

MQ-1C Gray Eagle là máy bay không người lái tầm xa, hoạt động ở độ cao trung bình được hãng General Atomics phát triển cho hải quân và lục quân Mỹ.

Ước tính có khoảng hơn 200 chiếc MQ-1C đã được sản xuất theo đơn hàng từ Lục quân Mỹ. Đơn giá một chiếc máy bay tấn công không người lái MQ-1C rơi vào khoảng 30-31 triệu USD.

UAV MQ-1C có chiều dài 8m, sải cánh 7m, cao 2,1m, trọng lượng cất cánh tối đa 1,6 tấn.

Dưới mũi máy bay được trang bị hệ thống ngắm mục tiêu đa quang phổ AN/AAS-52.

Nhà sản xuất Mỹ cho biết UAV MQ-1C có thể tấn công trực thăng cũng như xe tăng địch trong phạm vi 7,8 km.

Mỗi chiếc UAV khi chiến đấu có thể mang được đến 4 tên lửa chống tăng Hellfire, 4 bom liệng GBU-44/B cũng như có thể trang bị cả tên lửa không đối không Stinger.

Trong đó Hellfire là tên lửa không đối đất được thiết kế cho mục tiêu chính là diệt xe xe tăng, cũng như tiêu diệt công sự phòng ngự kiên cố, mục tiêu giá trị cao.

Một quả tên lửa chỉ nặng 45-49 kg, mang đầu đạn chống tăng 9 kg hoặc đầu đạn công phá 8kg, tầm bắn hiệu quả 500 m đến 8 km, tốc độ bay 1.591 km/h, trang bị bộ radar sóng mm hoặc dẫn đường laser bán chủ động.

Tên lửa không đối không AIM-92 Stinger là biến thể của tên lửa vác vai FIM-92 trang bị đầu dò hồng ngoại bị động, tầm bắn 8km, đầu nổ phá mảnh 3kg.

GBU-44/B Viper Strike là bom liệng thông minh dẫn đường GPS và laser được phát triển cho nhiệm vụ chống tăng, các công sự phòng ngự, mục tiêu giá trị cao. Bom này nặng 20kg, sải cánh 0,9m, mang đầu nổ chống tăng HEAT 1,05kg, bán kính lệch mục tiêu dưới 1m.

Với thời gian bay liên tục lên tới 30 giờ cùng khả năng mang theo các tên lửa đối không hoặc đối đất với tổng trọng lượng vũ khí lên tới 553kg, MQ-1C là cơn ác mộng trên không đối với lục quân đối phương.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/uav-mq-1c-dai-bang-xam-duoc-nang-cap-de-co-the-hoat-dong-tren-tau-san-bay-post593219.antd