UBND tỉnh BRVT yêu cầu xử lý triệt để những khu vực đất, nước bị ô nhiễm
Kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy có 23 mẫu đất, 03 mẫu nước và 12 mẫu đất cận ô nhiễm, lãnh đạo tỉnh yêu cầu xử lý triệt để nhằm quản lý, bảo vệ và cải tạo đất và sử dụng đất bền vững.
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-UBND về phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn. Theo đó, kết quả điều tra 417 mẫu đất có 23/417 mẫu bị ô nhiễm, chiếm 5,52% tổng số mẫu đất điều tra và có 12/417 mẫu ở mức cận ô nhiễm, chiếm 2,88% tổng số mẫu đất điều tra. Bên cạnh đó, kết quả điều tra mẫu nước cho thấy có 03/104 mẫu bị ô nhiễm chiếm 2,88% tổng số mẫu nước điều tra.
Đồng thời, kết quả đánh giá theo khu vực điều tra cũng cho thấy 5 khu vực xuất hiện ô nhiễm và cận ô nhiễm. Trong đó, ở các khu, cụm công nghiệp có 2 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Khu công nghiệp Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ (02/30 mẫu đất bị ô nhiễm, 01/30 mẫu đất cận ô nhiễm); Khu công nghiệp Châu Đức, huyện Châu Đức (01/08 mẫu đất bị ô nhiễm).
Khu khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng có 3 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Khu vực khai thác khoáng sản VinaConex, thành phố Bà Rịa (01/4 mẫu đất bị ô nhiễm); Khu vực mỏ đá xã Tóc Tiên, Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ (01/9 mẫu đất cận ô nhiễm); Mỏ cát phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ (02/8 mẫu đất bị ô nhiễm).
Khu vực chế biến thủy sản có 3 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Cơ sở chế biến thủy sản phường 12, thành phố Vũng Tàu (01/01 mẫu đất cận ô nhiễm); Cơ sở chế biến thủy sản phường 12 - Cửa Lấp, thành phố Vũng Tàu (03/05 mẫu nước bị ô nhiễm); Cơ sở chế biến thủy sản của DNTN Thuận Du (xã Phước Hội), huyện Đất Đỏ (02/06 mẫu đất cận ô nhiễm).
Khu vực nuôi trồng thủy sản có 7 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Nuôi trồng thủy sản phường 12, thành phố Vũng Tàu (01/8 mẫu đất bị ô nhiễm); Nuôi trồng thủy sản Long Sơn 2, thành phố Vũng Tàu (05/26 mẫu đất bị ô nhiễm, 05/26 mẫu đất cận ô nhiễm); Nuôi trồng thủy sản Mỹ Xuân, Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ (01/18 mẫu đất bị ô nhiễm, 01/18 mẫu đất cận ô nhiễm); Nuôi trồng thủy sản Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ (01/2 mẫu đất bị ô nhiễm); Nuôi trồng thủy sản Xuân Sơn, huyện Châu Đức (3/3 mẫu đất bị ô nhiễm); Nuôi trồng thủy sản thị trấn Long Điền, huyện Long Điền (02/2 mẫu đất bị ô nhiễm); Nuôi trồng thủy sản xã An Ngãi, huyện Long Điền (01/1 mẫu đất bị ô nhiễm).
Khu vực chuyên canh lúa có 3 khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, gồm: Khu canh tác lúa Đất Đỏ-Phước Hội, huyện Đất Đỏ (01/02 mẫu đất bị ô nhiễm, 01/02 mẫu đất cận ô nhiễm); Khu chuyên canh lúa Đất Đỏ-Long Tân, huyện Đất Đỏ (01/02 mẫu đất bị ô nhiễm); Khu chuyên canh lúa Láng Dài-Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ (01/02 mẫu đất bị ô nhiễm).
Ngoài ra, kết quả khoanh định diện tích đất bị ô nhiễm và cận ô nhiễm trên địa bàn toàn tỉnh là 184,35 ha, chiếm 0,44% diện tích điều tra. Trong đó, diện tích đất bị ô nhiễm là 135,95 ha (Khu vực khu, cụm công nghiệp 28,46 ha; khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng 19,46 ha; khu vực cơ sở chế biến thủy sản 4,28 ha; khu vực nuôi thủy sản 48,62 ha; khu vực canh tác lúa Đất Đỏ - Phước Hội 48,62 ha) chiếm 0,33% diện tích điều tra.
Diện tích đất cận ô nhiễm là 48,40ha (khu vực khu, cụm công nghiệp 21,06 ha; khu khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng 5,53 ha; khu vực cơ sở chế biến thủy sản 9,56 ha; khu vực nuôi thủy sản 7,97 ha; khu vực canh tác lúa Đất Đỏ-Phước Hội 4,28 ha) chiếm 0,12% diện tích điều tra của 18/71 khu vực điều tra trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Trên cơ sở kết quả điều tra, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố kết quả dự án trên các phương tiện thông tin, truyền thông để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân biết và khai thác, sử dụng; báo cáo kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất nêu trên về Bộ Tài nguyên và Môi trường; chủ trì phối hợp cùng các Sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xă, thành phố thuộc tỉnh; các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc những giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và cải tạo đất và sử dụng đất bền vững; chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện và hàng năm báo cáo kết quả UBND tỉnh trước ngày 25/12.
Các sở, ngành tỉnh có trách nhiệm lồng ghép kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất vào các chương trình, dự án có liên quan; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai các giải pháp xử lý triệt để các khu vực đất bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ bị ô nhiễm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm căn cứ kết quả dự án và các giải pháp để có biện pháp, phương án quản lý, khai thác, sử dụng đất đảm bảo có hiệu quả, hợp lý và bền vũng; lồng ghép kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch tại địa phương; kiểm soát chặt chẽ các khu vực đất bị ô nhiễm, cận ô nhiễm, chủ động phối hợp với các Sở, ngành tỉnh xử lý triệt để các khu vực có ô nhiễm đất.