UBND tỉnh Gia Lai có nhiều sai phạm khi để các doanh nghiệp 'lách luật' tận thu khoáng sản

Tỉnh Gia Lai tự ý chia cắt mỏ khoáng sản lớn thành các mỏ nhỏ để 'lách luật' làm lợi cho doanh nghiệp, thậm chí cấp giấy phép khai thác không thông qua đấu giá.

Tỉnh tự ý chia nhỏ dự án

Ngày 10/8, theo nguồn tin của phóng viên Báo Công Thương, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ UBND tỉnh Gia Lai có sai phạm khi cấp chủ trương đầu tư dự án và cấp giấy phép khai thác khoảng sản (cát, đá) không thông qua đấu giá, giúp một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tài nguyên.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ “Về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai” chỉ rõ loạt sai phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản của tỉnh này.

Thanh tra Chính phủ phát hiện tỉnh Gia Lai có nhiều sai phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. (Ảnh CTV)

Thanh tra Chính phủ phát hiện tỉnh Gia Lai có nhiều sai phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. (Ảnh CTV)

Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 74 khu vực mỏ. Toàn tỉnh còn 206 mỏ có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép.

Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2010-2016, UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, với 53 mỏ nhưng không lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành có liên quan là vi phạm quy định tại Điều 15 Luật Khoáng sản 2010 và Nghị định số 15/2012 của Chính phủ. Việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo về kết quả hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh (năm 2019 và năm 2020) với Bộ Tài nguyên và Môi trường còn chưa đúng quy định, vi phạm Nghị định 158/2016 của Chính phủ.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 30/6/2021, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 7 đơn vị còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 15 tỷ đồng nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp đôn đốc, thu nộp về ngân sách Nhà nước.

Kiểm tra 8 dự án thăm dò, khai thác khoáng sản, Thanh tra Chính phủ phát hiện tỉnh Gia Lai có một số vi phạm như: UBND tỉnh tự ý chia cắt mỏ lớn thành 2 mỏ nhỏ để cấp cho Công ty TNHH MTV Trang Đức và Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức là vi phạm Điều 53 Luật Khoáng sản 2010; cấp 2 chủ trương đầu tư dự án khai thác mỏ cát và mỏ đá cho Công ty Quang Đức; cấp Giấy phép khai thác mỏ cát cho Công ty Trang Đức không thể hiện mục đích để phục vụ xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh TP. Pleiku, không thông qua đấu giá là vi phạm quy định Luật Khoáng sản năm 2010, làm lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản.

Cho thuê đất nhưng không yêu cầu chủ đầu tư ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, vi phạm Nghị định 118/2015 của Chính phủ; doanh nghiệp bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ không đúng quy định vi phạm Điều 62 Luật Khoáng sản 2010; không thực hiện lập số sách và biểu thống kê để theo dõi xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; không lắp đặt trạm cân; không thực hiện thuê đất nhưng vẫn tự ý sử dụng là hành vi chiếm đất và sử dụng đất không đúng mục đích bị nghiêm cấm, vi phạm Điều 12 Luật Đất đai 2013; sử dụng mỏ kinh doanh cát không đúng mục đích theo chủ trương, Giấy phép được cấp (Công ty TNHH MTV Trang Đức). Vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản là 952 triệu đồng cần phải thu hồi về ngân sách Nhà nước.

Vi phạm diễn ra nhiều năm nhưng chính quyền không xử lý nghiêm

Theo Thanh tra Chính phủ, có dự án mỏ cát của một công ty ở Gia Lai, sau khi được cấp phép đã không bán cát phục vụ xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đường tránh qua TP. Pleiku như chủ trương đầu tư đã được cấp, mà bán cho các công trình xây dựng khác là thực hiện không đúng chủ trương, Giấy phép được cấp, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản.

Số tiền mà công ty bán cát cho các đơn vị khác là hơn 600 triệu đồng cần phải thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ; đồng thời yêu cầu UBND tỉnh thực hiện nghiêm, chỉ đạo khắc phục hậu quả, hủy bỏ, thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp, trường hợp sai phạm không được khắc phục thì đề nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định.

Tại khu đất (ở xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) nằm sát mỏ đất sét của Công ty CP Phú Bồn thấy có khoảng 3,3 ha đất sét (chưa được UBND cấp phép khai thác) đã có hiện tượng khai thác trái phép. Trong đó, phần diện tích đất 9.167 m² đã bị Công ty TNHH MTV Hoàng Khánh khai thác; khoảng 2,4 ha còn lại, bị khai thác từ nhiều năm trước để phục vụ thi công công trình xây dựng trên địa bàn. Như vậy, việc khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra từ nhiều năm qua trên địa bàn nhưng UBND thị xã Ayun Pa đã buông lỏng quản lý, không thực hiện báo cáo tình hình quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa được phép khai thác trên địa bàn theo quy định.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra tồn tại, thiếu sót nêu trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường) và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.

Hồng Phong

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ubnd-tinh-gia-lai-co-nhieu-sai-pham-khi-de-cac-doanh-nghiep-lach-luat-tan-thu-khoang-san-338192.html