UBS 'chốt' mua Credit Suisse với giá 3 tỉ USD
Tập đoàn UBS đã chấp nhận thỏa thuận mua lại đối thủ lâu năm của họ Credit Suisse với giá trên 3 tỉ USD.
Thỏa thuận giữa 2 ngân hàng được xem như cột trụ của nền tài chính Thụy Sĩ là vụ sáp nhập lớn đầu tiên của các ngân hàng toàn cầu có tầm quan trọng hệ thống kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chính phủ Thụy Sĩ cho hay họ sẽ cung cấp hơn 9 tỉ USD để bù một số khoản lỗ mà UBS có thể phải tiếp nhận khi mua Credit Suisse. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng cung cấp hơn 100 tỉ USD thanh khoản cho UBS để tạo điều kiện cho thỏa thuận.
Quá trình đàm phán thỏa thuận diễn ra một cách hết sức nhanh chóng, bởi các cơ quan chức năng lo ngại về viễn cảnh ảm đạm của Credit Suisse. Ngân hàng này đối mặt với khả năng bị thất thoát 10 tỉ USD tiền gửi mỗi ngày trong tuần trước, do khách hàng rút tiền đồng loạt, theo Wall Street Journal.
Chính quyền Thụy Sĩ cũng lo ngại rằng sự sụp đổ của Credit Suisse sẽ biến nước này thành một nguồn cơn bất ổn lây lan ra toàn cầu. Vài giờ sau khi thỏa thuận được công bố, một nhóm các ngân hàng trung ương, bao gồm Fed và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, đã công bố một đường dây hoán đổi dollar mở rộng. Họ gọi động thái này là “một lớp chặn cuối thanh khoản quan trọng nhằm giảm bớt sức ép trên các thị trường rót vốn toàn cầu.”
Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho hay UBS sẽ thu nhỏ mảng kinh doanh ngân hàng đầu tư của Credit Suisse và liên kết nó với “văn hóa rủi ro bảo thủ” của UBS. Ông nói rằng thỏa thuận này “hỗ trợ cho sự ổn định tài chính ở Thụy Sĩ và tạo nên giá trị bền vững đáng kể cho các cổ đông của UBS.” Tuy nhiên, để tiến hành thỏa thuận này, UBS cho hay họ sẽ tạm dừng chương trình mua lại cổ phiếu.
Sự sụp đổ chóng vánh của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) hồi đầu tháng này đã khiến các nhà đầu tư trên toàn thế giới lần tìm những điểm yếu trong hệ thống tài chính. Credit Suisse đã trở thành cái tên đứng đầu danh sách các tổ chức tài chính đang gặp vấn đề, bị suy yếu sau nhiều năm dính phải bê bối và thua lỗ, đáng chú ý nhất là thua lỗ trong 2 thương vụ Greensill Capital và Archegos Capital Management vào năm 2021.
Giới chức Thụy Sĩ, cùng với các cơ quan điều hành ở Mỹ, Anh và EU, lo ngại rằng Credit Suise có nguy cơ sụp đổ nếu như không đạt được một thỏa thuận nào, và họ hết sức quan ngại rằng sự sụp đổ đó có thể làm suy giảm niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, tác động xấu tới các ngân hàng khác.
Finma, cơ quan quản lý tài chính của Thụy Sĩ, nói rằng Credit Suisse đã trải qua một cuộc “khủng hoảng niềm tin.” Họ nói rằng chính quyền cần phải đưa ra hành động để ngăn chặn tổn thất nghiêm trọng đối với các thị trường tài chính của Thụy Sĩ và quốc tế. Cơ quan này khẳng định rằng hoạt động của các ngân hàng sẽ diễn ra như thường lệ trong hôm đầu tuần, 20/3.
Các cơ quan chức năng Thụy Sĩ trước đó đưa ra 2 lựa chọn cho Credit Suisse: một thương vụ mua lại hoặc phá sản. Trường hợp ngân hàng này phá sản sẽ thực sự tạo nên một mớ hỗn độn, và giới lãnh đạo của UBS lo ngại rằng vụ việc sẽ ảnh hưởng tới uy tín của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ. Đây cũng là nguyên nhân mà các vòng đàm phán diễn ra hết sức nhanh chóng.
Cuộc “hôn nhân” giữa hai gã khổng lồ trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ là điều mà UBS không hề mong muốn. Credit Suisse có cả tá vấn đề và bê bối. Nhánh ngân hàng đầu tư của họ đi ngược lại với mô hình mà UBS đã gây dựng suốt nhiều năm – nhận tiền phí để quản lý tài chính cho các khách hàng giàu có.
Nhưng những phần khác của Credit Suisse lại khá hấp dẫn: Nó là đối thủ chính của UBS trong hệ thống ngân hàng trong nước Thụy Sĩ. Vụ sáp nhập giữa hai ngân hàng này nếu diễn ra trong thời điểm khác có thể là điều bất khả thi. Credit Suisse cũng có tệp khách hàng giàu có ở châu Á, đủ để UBS có thể thực hiện tham vọng làm ăn của họ tại châu lục này.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ubs-chot-mua-credit-suisse-voi-gia-3-ti-usd-post165113.html