Úc: Lạm phát tăng lên mức cao nhất 6 tháng trong tháng Năm
Dữ liệu mới được công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Úc đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng vào tháng Năm, trong khi CPI lõi tăng tháng thứ tư liên tiếp, làm gia tăng cơ hội ngân hàng trung ương nước này sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay.
Lạm phát tăng tốc
Thị trường hiện đang dự đoán 60% khả năng Ngân hàng trung ương Úc (RBA) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 11, trong khi xác suất tăng vào tháng Tám sẽ tùy thuộc vào dữ liệu của quý II.
Bên cạnh đó, thị trường phái sinh gần như loại bỏ xác suất RBA cắt giảm lãi suất (hiện đang ở mức 4,35%) trong năm nay, với triển vọng lần nới lỏng đầu tiên sẽ bị trì hoãn cho đến cuối năm 2025.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Úc cho thấy CPI đã tăng 4,0% so với cùng kỳ trong tháng Năm, từ mức 3,6% trong tháng Tư và cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 3,8%.
Lạm phát cơ bản - thước đo được theo dõi chặt chẽ, đã tăng lên 4,4% so với cùng kỳ, tăng từ 4,1% của tháng trước, và cũng là mức cao nhất trong 6 tháng.
UBS và Deutsche Bank hiện dự đoán lãi suất sẽ tăng vào tháng Tám trong khi Ngân hàng Quốc gia Australia (NBA) dự đoán lần nới lỏng lần đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 5/2025 (trước đó ngân hàng này dự đoán nó diễn ra vào tháng 11 năm nay).
“Dự báo CPI mới của chúng tôi coi việc tăng lãi suất vào tháng Tám là một lối thoát”, George Tharenou, chuyên gia kinh tế trưởng tại UBS, nói và cho biết thêm rằng cũng có khả năng sẽ xảy ra đợt tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 11.
RBA có tăng lãi suất vào tháng Tám?
Với việc lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2-3%, RBA bảo lưu quan điểm cần cảnh giác với các rủi ro tăng giá. Quan điểm này đã thúc đẩy họ giữ lãi suất ổn định ở mức cao nhất trong 12 năm là 4,35% trong 5 cuộc họp liên tiếp của ngân hàng trung ương.
Cơ quan này sẽ chờ đợi báo cáo hàng quý vào cuối tháng Bảy để quyết định động thái chính sách tiếp theo của mình. Tuy nhiên, các số liệu "nóng" trong tháng Tư và tháng Năm cho thấy dữ liệu lạm phát quý II có thể mạnh hoặc mạnh hơn báo cáo quý I, gây áp lực buộc RBA phải tăng lãi suất vào tháng Tám.
Các chuyên gia phân tích cho rằng chi phí đi lại thường xuyên biến động là một trong số các nguyên nhân dẫn đến số liệu lạm phát gia tăng trong tháng Năm, đồng thời có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy sự tăng giá ở một số lĩnh vực dịch vụ đang ở mức vừa phải.
Khi loại trừ các mặt hàng dễ biến động và du lịch trong kỳ nghỉ, CPI lõi chỉ còn tăng 4,0%, từ 4,1%.
Báo cáo cho thấy giá điện đã tăng 6,5% so với cùng kỳ trong tháng Năm, từ mức tăng 4,2% trong tháng Tư, do chính phủ dỡ bỏ các khoản trợ giá, khi chúng được thiết lập để giảm bớt từ quý III năm ngoái.
Trong khi đó, giá thuê nhà đã tăng 7,4%, chi phí bảo hiểm tăng 14%.
Báo cáo tháng Năm, cung cấp thông tin cập nhật về nhiều dịch vụ hơn trong quý II năm nay, cho thấy giá cắt tóc, bữa ăn tại nhà hàng và đồ ăn mang đi đã tăng lần lượt 5,5%, 4,2% và 4,3% so với cùng kỳ.
“Có thể Hội đồng quản trị RBA sẽ thay đổi hướng đi và tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Tám, nhưng với việc thị trường lao động nới lỏng, chúng tôi không tin rằng họ sẽ gặp khó khăn để cân nhắc đưa ra quyết định”, Alan Oster, chuyên gia kinh tế trưởng tại NAB nói và thêm rằng: “Sự kết hợp giữa tăng trưởng và lạm phát tiến triển chậm phản ánh quyết định của RBA trong việc áp dụng cách tiếp cận “thấp hơn trong thời gian dài hơn” - hay nói cách khác là áp dụng mức lãi suất đỉnh thấp hơn so với các nền kinh tế lớn khác, dẫn đến thời gian đạt mục tiêu dài hơn”.