Ukraine có thể chấp nhận hoặc từ chối những điều kiện nào khi đàm phán với Nga?
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với cả người đồng cấp Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymur Zelensky, các chuyên gia đã đánh giá những điều kiện Ukraine có thể chấp nhận hoặc từ chối khi đàm phán với Nga.
![Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: PAP/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51464179/0321a65996177f492606.jpg)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: PAP/TTXVN
Theo trang kyivindependent.com ngày 12/2, sau hai cuộc điện đàm nói trên, Tổng thống Trump tuyên bố đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine sẽ bắt đầu ngay lập tức. Ông Trump viết trên mạng xã hội: “Tôi vừa nói chuyện với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Cuộc trao đổi diễn ra rất tốt. Ông ấy, cũng như Tổng thống Putin, đều muốn hòa bình. Chúng tôi đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến cuộc chiến, nhưng chủ yếu là về cuộc họp được sắp xếp vào ngày 14/2 tại Munich, nơi Phó Tổng thống JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ dẫn đầu phái đoàn”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói rằng kỳ vọng Ukraine khôi phục đường biên giới năm 2014 trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moskva về việc chấm dứt chiến sự là điều phi thực tế. Ông cũng tuyên bố tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Ukraine không còn được cân nhắc.
Sau những phát biểu mới nhất từ các quan chức cấp cao Mỹ, Ukraine nhiều khả năng sẽ chịu áp lực từ Mỹ để nhượng bộ Nga. Theo giới chuyên gia, Ukraine có thể sẽ từ chối và nhượng bộ một số điều kiện.
Ukraine không công nhận yêu sách lãnh thổ của Nga
Tổng thống Zelensky và một số quan chức cấp cao Mỹ, bao gồm Đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga Keith Kellogg cùng Phó Tổng thống JD Vance, sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 14 đến 16/2. Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Zelensky dự kiến sẽ gặp cả hai quan chức này.
Ông Kellogg cũng sẽ thăm Ukraine vào ngày 20/2, trong khi ông Trump cho biết ông sẽ gặp ông Zelensky trong thời gian tới nhưng không tiết lộ địa điểm và thời gian cụ thể.
Các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng sẽ là chủ đề chính. Tuy nhiên, bất kể các quan chức Mỹ có đề xuất gì, Ukraine có một số “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua.
Giới chuyên gia đều cho rằng Ukraine sẽ không công nhận vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát là của Nga một cách hợp pháp, trong khi Nga cũng sẽ không từ bỏ sáp nhập những vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố thuộc về mình.
Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, cũng như các tỉnh Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk vào năm 2022. Tuy nhiên, Nga hiện chỉ kiểm soát một phần của bốn tỉnh mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Nghị sĩ Volodymyr Aryev thuộc đảng đối lập Đoàn kết châu Âu ở Ukraine nói với Kyiv Independent: “Có hai nguyên tắc cơ bản không thể thỏa hiệp. Thứ nhất, công nhận yêu sách đối với các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát là không thể chấp nhận được. Thứ hai, chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ hạn chế nào đối với quân đội, số lượng vũ khí, hoặc bất kỳ giới hạn tự áp đặt nào trong việc hình thành các liên minh quân sự. Hai lằn ranh đỏ này phải được đặt thành nguyên tắc bất di bất dịch. Còn với những vấn đề khác, tôi nghĩ vẫn có một số không gian để linh hoạt đến mức độ nhất định”.
Theo giới chuyên gia, việc đóng băng chiến tuyến hiện tại hoặc trao đổi lãnh thổ mà không thay đổi tình trạng pháp lý của chúng là điều có thể xảy ra.
Ông Stefan Wolff, Giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham, nhận định: “Tôi nghĩ sẽ có một lệnh ngừng bắn dọc theo chiến tuyến tại thời điểm đó. Có thể có một số điều chỉnh và khả năng thiết lập vùng đệm. Nhưng tôi nghĩ sẽ không có thay đổi lãnh thổ đáng kể hay công nhận chính thức nào đối với hiện trạng”.
Nhà phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko cho rằng Ukraine có thể trao đổi vùng kiểm soát tại tỉnh Kursk của Nga để đổi lấy phần lãnh thổ tỉnh Kharkiv của Ukraine hiện do Nga kiểm soát.
Nhà phân tích chính trị độc lập người Nga Dmitry Oreshkin cũng đồng ý, cho rằng yếu tố Kursk rất quan trọng trong tình huống này.
Tổng thống Zelensky đã tuyên bố sẵn sàng xem xét việc trao đổi này.
Triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu
Tờ The Telegraph đưa tin vào tháng 11/2024 rằng, theo một trong các kế hoạch hòa bình đang được ông Trump xem xét, ông có thể kêu gọi lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu thiết lập vùng đệm ở Ukraine.
Giới chuyên gia cho rằng điều này về lý thuyết là khả thi, nhưng đề xuất sẽ gặp nhiều khó khăn và Nga nhiều khả năng sẽ phản đối.
Ông Oreshkin nói: “Để thực hiện nhiệm vụ quân sự, sẽ cần đến hàng chục nghìn binh sĩ. Phương Tây khó có thể hào hứng với ý tưởng này vì đây sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ tốn kém”.
Bà Jenny Mathers, Giảng viên chính trị quốc tế tại Đại học Aberystwyth (Anh), bình luận: “Tính khả thi của kế hoạch này sẽ phụ thuộc vào tình hình cụ thể và những hạn chế đang có hiệu lực. Bố trí lực lượng gìn giữ hòa bình vào khu vực vẫn đang diễn ra giao tranh hoặc có nguy cơ cao xảy ra xung đột là một bước đi đầy rủi ro. Các chính phủ châu Âu chắc chắn sẽ thận trọng”.
Ông Charly Salonius-Pasternak, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính trị và Quyền lực Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, nói rằng việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine là khả thi nhưng chắc chắn không đạt tới con số 200.000 quân như ông Zelensky đề cập hồi tháng 1.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất, ông Zelensky nhấn mạnh rằng mọi hoạt động của châu Âu trên thực địa phải có sự hậu thuẫn của Mỹ.
Ông Zelensky nói: “Có những ý kiến cho rằng châu Âu có thể đảm bảo an ninh mà không cần Mỹ và tôi luôn nói không. Đảm bảo an ninh mà không có Mỹ không phải là đảm bảo an ninh thực sự”.
Điều gì sẽ xảy ra với các lệnh trừng phạt?
Theo các đề xuất trước đó của ông Kellogg, các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sẽ được dỡ bỏ một phần. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng đối với Ukraine là liệu dỡ bỏ trừng phạt có phụ thuộc vào việc Nga tuân thủ một lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình tiềm năng hay không.
Ông Wolff cho biết: “Nếu có một lệnh ngừng bắn, một số biện pháp trừng phạt có thể sẽ được nới lỏng dần”.
Trong khi đó, bà Mathers nói: “Nếu việc dỡ bỏ trừng phạt không được thực hiện theo một quy trình từng bước dựa trên việc Nga có những hành động thực sự để khắc phục và bồi thường cho những tổn thất mà họ đã gây ra cho Ukraine và người dân Ukraine, thì ông Putin sẽ coi đó là một chiến thắng và tiếp tục làm những gì mình muốn”.
Trì hoãn tư cách thành viên NATO
Theo một kế hoạch hòa bình do ông Kellogg đồng soạn thảo vào đầu năm 2024, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ bị trì hoãn trong một thời gian dài.
Ukraine đã theo đuổi mục tiêu gia nhập liên minh này từ đầu những năm 2000 và chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm 2022. Ý định gia nhập NATO cũng đã được ghi vào hiến pháp Ukraine.
Tuy nhiên, khối này vẫn tỏ ra do dự trong kết nạp Ukraine. Theo giới chuyên gia, vì NATO hiện tại cũng chưa đồng ý cho Ukraine gia nhập, nên một điều khoản trì hoãn tư cách thành viên sẽ không tạo ra thay đổi đáng kể.
Bà Mathers nói: “NATO đã trì hoãn vấn đề tư cách thành viên của Ukraine đến một thời điểm không xác định trong tương lai”.
Về phần mình, ông Aryev cho rằng quyết định trì hoãn tư cách thành viên NATO là do liên minh này quyết định, không phải Ukraine, và Kiev không thể tự ép buộc để được gia nhập.
Tuy nhiên, Nga không chỉ yêu cầu trì hoãn việc Ukraine gia nhập NATO mà còn đòi hỏi Kiev chính thức từ bỏ mục tiêu này và trở thành một quốc gia trung lập. Giới chuyên gia và các nhà lập pháp nhận định rằng Ukraine rất khó chấp nhận yêu cầu này.
“Tư cách thành viên NATO là một mục tiêu chiến lược và Ukraine sẽ giữ vững lập trường về vấn đề này bằng mọi giá”, ông Aryev tuyên bố.
Đảm bảo an ninh là yếu tố then chốt
Vì khả năng Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần là thấp, nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc phương Tây có các đảm bảo an ninh thực chất cho Ukraine hay không. Kế hoạch của ông Kellogg đề cập đến việc đảm bảo an ninh cho Ukraine nhưng không nêu rõ chi tiết.
Ông Fesenko bình luận: “Có thể có một thỏa thuận an ninh với Mỹ. Thỏa thuận này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn để trở thành một hiệp ước chính thức, ít nhất là tương tự với các thỏa thuận mà Mỹ đã ký với Israel và Ai Cập”.
Dù vậy, ngay cả một hiệp ước phòng thủ song phương với Mỹ cũng không đảm bảo rằng Ukraine sẽ nhận được nhiều viện trợ quân sự hơn. Ông JD Vance tuyên bố rõ ràng vào ngày 11/2 rằng Mỹ sẽ không gửi quân đến Ukraine, và trách nhiệm chính sẽ thuộc về châu Âu.
Ông Zelensky nhấn mạnh rằng Kiev không coi thỏa thuận an ninh nào là thực sự có trọng lượng nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ.
Theo đề xuất của ông Kellogg, Mỹ sẽ tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm ngăn chặn nguy cơ Nga tiến hành thêm các cuộc tấn công.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng quy định rằng Mỹ sẽ ngừng viện trợ quân sự nếu Ukraine từ chối đàm phán hòa bình. Ngược lại, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine nếu Nga không chấp nhận một thỏa thuận hòa bình.
Ông Wolff cho biết: “Viện trợ quân sự cho Ukraine phụ thuộc vào việc… ông Trump có xem Nga là trở ngại chính cho một thỏa thuận hay không”.