Ukraine giằng co giữa ủng hộ và phản đối thỏa thuận khoáng sản với Mỹ
Tại một khu vực mỏ của Ukraine, người dân địa phương chia rẽ trong quan điểm đối với thỏa thuận khoáng sản với Mỹ. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận này, số khác thì chấp nhận thỏa thuận trong sự mệt mỏi.
Tranh cãi tại Ukraine về thỏa thuận khoáng sản với Mỹ
Khi nhà địa chất học Ukraine Volodymyr Savytskyi đi chợ mua thịt ba chỉ, mỡ lợn, cá hồi và nho, ông ấy nghe thấy một người đàn ông than phiền về Tổng thống Ukraine Zelensky: “Vì sao ông Zelensky không hỏi chúng ta về nhượng khoáng sản đất nước cho người Mỹ?”. Một phụ nữ phụ họa: “Người Mỹ sẽ đến lấy mọi thứ”.

Mỏ urani Inhulska tại Ukraine. Ảnh: Nytimes.
Nhà địa chất Savytskyi, 75 tuổi vẫn yên lặng. Trong lòng, ông thậm chí còn đặt nhiều hy vọng hơn nữa vào thỏa thuận khoáng sản tiềm tàng - văn bản chi phối các cuộc thương thuyết giữa hai bên và phơi bày căng thẳng giữa Ukraine và Mỹ.
Ông Savytskyi nói: “Chúng tôi chỉ cần tồn tại được. Tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ không gạt chúng tôi. Tôi thực sự hy vọng như vậy. Tôi tin rằng người Mỹ nên đến đây, đầu tư tiền bạc của họ, thu lợi nhuận nhưng chúng tôi vẫn nhận được phần xứng đáng, đó là miếng bánh của chúng tôi”.
Ở tỉnh Kirovohrad (miền Trung Ukraine) - một trong những vùng khai thác mỏ chủ chốt của đất nước này, phản ứng của người dân trước thỏa thuận đề xuất của Mỹ là sự pha trộn giữa niềm hy vọng đầy thận trọng, thuyết định mệnh và cơn tức giận.
Sau nhiều năm ngả về phương Tây, nhiều người dân Ukraine ở đây theo phản xạ đã nhìn nhận sự đầu tư của người Mỹ bằng con mắt tích cực và họ sẵn lòng sử dụng tài nguyên thiên nhiên của mình để đối đầu với Nga.
Tuy nhiên, song song với đó là những dấu hiệu hoài nghi ngày càng gia tăng trong bản thân người dân địa phương về các điều khoản của thỏa thuận khoáng sản. Họ cũng đặt câu hỏi liệu có đáng tin tưởng Mỹ, cụ thể là chính quyền của ông Trump vào lúc này hay không.
Một số người dân Ukraine khác thì đồng tình với thỏa thuận khoáng sản do Mỹ đưa ra vì họ nghĩ rằng trong bối cảnh hiện nay Ukraine không có sự lựa chọn nào khác.
Tài nguyên Ukraine và hành trình của thỏa thuận khoáng sản
Giới chức Ukraine cho biết đất nước họ nắm giữ các mỏ thuộc hơn 20 loại khoáng sản quan trọng. Một hãng tư vấn đánh giá những mỏ này trị giá vài nghìn tỷ USD.
Chính quyền Tổng thống Trump đang tìm kiếm lợi nhuận từ những khoáng sản này. Họ kêu gọi Ukraine thanh toán lại cho họ những viện trợ quân sự mà Mỹ đã dành cho Ukraine kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang với Nga. Đáp lại, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trên lý thuyết.
Có nhiều chông gai trong việc đạt một thỏa thuận giữa Mỹ và Ukraine về vấn đề khoáng sản. Phiên bản đầu tiên đã sụp đổ tại cuộc họp ở Nhà Trắng vào cuối tháng 2/2025. Một đề xuất mới của Mỹ, công bố vào cuối tháng 3 cùng năm nay, thì lại khá nặng nề đối với phía Ukraine. Kiev tuyên bố họ sẽ đàm phán đề cải thiện các điều khoản trước khi ký kết.
Giới phê bình của Ukraine cho rằng thỏa thuận mới là một dạng tống tiến. Một số người Ukraine cho rằng thỏa thuận đó thực sự lấy mất của Ukraine nguồn tài nguyên trong khi không cung cấp bảo đảm an ninh cho tương lai của quốc gia này.
Andriy Brodsky - nhà sáng lập Veta, một công ty titan tư nhân hàng đầu của Ukraine với tiềm năng hưởng lợi từ thỏa thuận trên, cho biết “đây là một câu chuyện mà hai bên cùng thắng nếu thỏa thuận được thực hiện đúng đắn”.
Tuy nhiên, ông Brodsky cũng nhấn mạnh rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng phải công bằng với cả hai nước. Theo ông, thỏa thuận này nên giống như một Kế hoạch Marshall mới. Kế hoạch Marshall lịch sử trước đây vừa tái thiết được châu Âu sau Thế chiến II vừa cho phép các công ty Mỹ thu được lợi nhuận. Ông Brodsky cho biết, hiện nay 6 nhà đầu tư Mỹ đã tiếp cận công ty Veta để hợp tác.
Rủi ro về kỹ thuật và môi trường khi tăng cường khai khoáng
Việc khai thác khoáng sản không đơn giản như rút tiền từ cây ATM. Mặc dù bắt đầu hoạt động vào năm 2003, Veta phải mãi đến năm 2012 mới bắt đầu sản xuất được titan từ những mỏ quặng titan ở tỉnh Kirovohrad. Hơn nữa, các bản đồ mỏ khoáng sản Ukraine đã cũ (có từ thời Xô viết) và giờ có thể không còn chính xác nữa.
Giới môi trường Ukraine hy vọng các nhà đầu tư Mỹ sẽ mang lại những cách thức khai thác sạch hơn và những biện pháp hiệu quả hơn trong bảo vệ công nhân mỏ. Tuy nhiên, chưa có bất cứ sự bảo đảm nào như thế cả.
Nhà địa chất Savytskyi am tường bề mặt đất nơi đây. Hồi năm 2002, ông từng viết một chuyên luận uy tín về khoáng sản của vùng như than chì, lithium, urani và titan - những khoáng sản mà Tổng thống Mỹ Trump quan tâm. Ông cũng làm việc tới 23 năm cho mỏ urani Inhulska, nơi cách nhà ông gần 5km.
Lịch sử khai thác urani ở đây trong hơn 60 năm đã chứng mình mức độ khó khăn của khai thác mỏ ngay cả khi người ta rất quan tâm về công việc này.
Năm 1986, thảm họa điện hạt nhân Chernobyl đã khiến cho Liên Xô khi ấy bớt nhiệt tình với hoạt động khai thác urani trên đất Ukraine. Nghiên cứu của ông Savytskyi sau đó đã mất đi nguồn tài trợ.
Năm 1996, 5 năm sau khi Liên Xô tan rã, nhà địa chất Savytskyi trở lại làm việc tại mỏ Inhulska. Nhưng giai đoạn sau đó, mỏ này vẫn gặp phải nhiều vấn đề. Mỏ không phải lúc nào cũng hoạt động có lãi, công nhân có lúc không được trả lương. Theo ông Savytskyi, tệ tham nhũng và gia đình trị ngập tràn cả một thời kỳ. Ngoài ra, công nhân còn đối mặt các vấn đề sức khỏe do phơi nhiễm phóng xạ.
Liudmyla Shestakova - người làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Flora, cho biết quanh mỏ Inhulska có nhiều rác thải phóng xạ - khi có gió thổi mạnh hoặc mưa to, tác động của phóng xạ đến môi trường sẽ không nhỏ.
Mặc dù vậy, ông Savytskyi vẫn nhớ rất rõ rằng Ukraine đang trong một cuộc chiến. Một cuộc tập kích tên lửa gần đó đã gây ra mất điện quanh đây. Và đây là lý do ông ủng hộ thỏa thuận khoáng sản với Mỹ, cốt sao để chấm dứt thật sớm xung đột vũ trang.