Ukraine lâm nguy trước Nga khi bầu trời không còn 'lá chắn thép' Patriot

Trong ngắn hạn, Ukraine gần như không có khả năng tự triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiệu quả. Cách duy nhất để bảo vệ bầu trời Ukraine là nước này phải tiếp tục nhận thêm tên lửa Patriot từ các nước đồng minh.

Khả năng bắn hạ máy không người lái (UAV) và tên lửa hành trình của Ukraine đã được cải thiện đáng kể trong hơn 3 năm giao tranh với Nga, nhờ vào khả năng thích ứng đáng kinh ngạc của nền sản xuất quốc phòng trong nước và gói viện trợ quân sự từ các đồng minh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Ukraine vẫn thể sở hữu bất kỳ "lá chắn thép" nào tương đương Patriot - một hệ thống tên lửa đất đối không do Mỹ chế tạo, nổi tiếng với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay với độ chính xác cao.

Trước năm 2022, các kỹ sư Ukraine từng nỗ lực cải tiến các khẩu đội phòng không từ thời Liên Xô để đối phó với các mối đe dọa an ninh. Nhưng cũng như Patriot, các hệ thống đó nay đang cạn kiệt đạn dược và các nhà thiết kế buộc phải ưu tiên chế tạo tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tấn công hơn là phát triển các lá chắn phòng thủ.

Trong ngắn hạn, Kiev gần như không có khả năng tự triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiệu quả. Cách duy nhất để bảo vệ bầu trời Ukraine là nước này phải tiếp tục nhận thêm tên lửa Patriot từ các nước đồng minh.

Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: Reuters

Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: Reuters

Khi bầu trời không còn là "lá chắn"

Tên lửa đạn đạo là một trong những thách thức khó đối phó nhất đối với bất kỳ hệ thống phòng không nào. Chúng di chuyển theo quỹ đạo hình parabol ở độ cao lớn, cách xa bề mặt Trái đất, rồi lao xuống với vận tốc gấp nhiều lần tốc độ âm thanh để đánh trúng mục tiêu.

Việc đánh chặn loại vũ khí này đòi hỏi mức độ chính xác cực cao, từ khâu phát hiện sớm trên không trung đến quá trình phóng tên lửa đánh chặn sao cho tên lửa này nhắm trúng mục tiêu trong thời gian cực ngắn. Ngược lại, tên lửa hành trình và UAV thường bay thấp và chậm hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hệ thống phòng không có thời gian phản ứng và tiêu diệt chúng trước khi chạm đích.

Dù phần lớn vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine không mang lại hiệu quả đáng kể nhưng các hệ thống phòng thủ tên lửa, đặc biệt là Patriot, lại là ngoại lệ. Theo ông Fabian Hoffmann, một chuyên gia tên lửa tại Dự án hạt nhân Oslo, Mỹ đã làm chủ công nghệ này sau Chiến tranh Lạnh, dựa trên giả định rằng họ sẽ luôn làm chủ không phận nơi chiến đấu. Điều này buộc Mỹ phải tập trung vào việc đối phó các loại vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, viện trợ phòng không cho Ukraine đã chậm lại đáng kể. Lô Patriot lớn cuối cùng được chuyển giao chỉ vài ngày sau lễ nhậm chức của ông, với 90 tên lửa được tái điều động từ Israel. Một hệ thống khác từ Israel đang trong quá trình tân trang nhưng tiêu chuẩn tân trang của Mỹ vốn nổi tiếng khắt khe, thường khiến các lô hàng bị trì hoãn chuyển giao trong nhiều tháng để chờ kiểm duyệt.

Ukraine giữ kín thông tin liên quan đến chương trình tên lửa và hệ thống phòng không, với mức độ bảo mật được đánh giá là nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các dữ liệu hiện có cho thấy tình hình đang xấu đi rõ rệt.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte gần đây thừa nhận rằng phần lớn số tên lửa Patriot từng được cam kết viện trợ cho Ukraine đã được chuyển giao xong vào giữa tháng 4/2025. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết về các lô Patriot còn lại. Một phát ngôn viên chỉ cho biết rằng Washington “tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine từ các gói viện trợ đã được phê duyệt trước đó.”

Các quốc gia EU, vốn từng hỗ trợ Patriot cho Ukraine một cách hào phóng, giờ đây cũng đã tiêu hao phần lớn kho dự trữ và buộc phải đặt mua bổ sung nhằm duy trì năng lực tự phòng thủ.

Trong khi đó, Nga không chỉ duy trì mà còn mở rộng năng lực sản xuất tên lửa đạn đạo. Mặc dù Ukraine từng tuyên bố Nga đã cạn kiệt tên lửa Iskander vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, song theo ông Andriy Yusov, đại diện của Tổng cục Tình báo Ukraine, Nga được cho là đã khôi phục sản lượng lên mức khoảng 40 đến 50 quả mỗi tháng. Nhờ vậy, Moscow đang đẩy mạnh tần suất sử dụng Iskander trong các đợt tấn công, trong bối cảnh khả năng đánh chặn của Ukraine có dấu hiệu suy yếu.

Số liệu do Không quân Ukraine công bố cho thấy hiệu quả phòng thủ trước tên lửa đạn đạo đã giảm sút rõ rệt trong thời gian gần đây. Trong tháng 4/2025, Ukraine hứng chịu 22 vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo, chủ yếu là Iskander. Chỉ 8 quả trong số đó bị đánh chặn, 7 trong số này xuất hiện trong một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào thủ đô Kiev, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất cả nước. Tuy vậy, 4 tên lửa vẫn xuyên thủng lưới phòng không, khiến 12 dân thường thiệt mạng và 87 người khác bị thương.

Nhà báo Kollen Post của The Kyiv Indepensent nhận định, sự suy yếu trong năng lực phòng không khiến người dân Ukraine, đặc biệt ở các khu vực xa chiến tuyến, cảm thấy bất an hơn bao giờ hết, khi niềm tin vào “lá chắn” bảo vệ thành phố đang dần lung lay.

Thế khó của Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelensky hiện đang tìm mọi cách để mua thêm Patriot từ các đồng minh, trong bối cảnh nước này chưa thể tự sản xuất hệ thống đất đối không này.

Ông Michael Duitsman, chuyên gia tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin thuộc Viện Middlebury, cho biết: "Việc phát triển các hệ thống SAM (đất đối không) rất tốn kém và mất thời gian".

“SAM là một hệ thống gồm nhiều thành phần khác nhay: tên lửa, bệ phóng, radar, máy tính, v.v. Mỗi thành phần đó cần được phát triển, tạo mẫu và thử nghiệm, đảm bảo tất cả chúng phải phối hợp ăn ý với nhau khi SAM được triển khai trên chiến trường", ông Duitsman nói.

Hệ thống phòng không trong nước của Ukraine chủ yếu sử dụng các bệ phóng tên lửa SAM còn sót lại của Liên Xô, đặc biệt là S-200 và S-300.

Ukraine đã bắt đầu nâng cấp các hệ thống S-300 của mình thành phiên bản SD-300 trước khi nổ ra xung đột với Nga. Một tài liệu được công bố vào năm 2021 (sau đó đã bị gỡ khỏi trang của Cục Thiết kế Luch) cho thấy SD-300 vẫn sử dụng đầu đạn nổ mảnh – một thiết kế đã lỗi thời so với các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo hiện đại, vốn hướng đến việc tiêu diệt mục tiêu bằng va chạm trực tiếp thay vì phát nổ ở khoảng cách gần.

Trong khi phần cứng cho tên lửa chống đạn đạo thường mất nhiều năm để chế tạo, việc nâng cấp phần mềm, đặc biệt là các thuật toán dự đoán quỹ đạo tên lửa đối phương, được xem là một giải pháp tiết kiệm và nhanh chóng hơn để cải thiện hiệu quả của S-300. Việc nhập khẩu thêm các hệ thống radar tiên tiến cũng là một hướng đi khả thi.

Tuy nhiên, Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn nghiêm trọng cho cả SAMP-T, S-300 lẫn Patriot. Những nhà máy có đủ năng lực sản xuất hoặc nâng cấp đạn dược cho các hệ thống này trước chiến tranh nay lại trở thành mục tiêu ưu tiên trong các cuộc không kích của Nga.

Điều này khiến Ukraine mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn: cần các hệ thống phòng không để bảo vệ nhà máy nhưng lại không có đủ nhà máy để sản xuất thêm các hệ thống phòng không.

Vì sao hệ thống Patriot không thể thay thế?

Hiện tại, Ukraine đang phụ thuộc vào hai dòng tên lửa Patriot chủ chốt: PAC-2 và PAC-3.

Hệ thống Patriot bao gồm bệ phóng, radar và tên lửa, trong đó Raytheon chịu trách nhiệm sản xuất hệ thống mặt đất cùng với tên lửa PAC-2 – vốn được tối ưu để đánh chặn tên lửa hành trình. Trong khi đó, Lockheed Martin sản xuất dòng PAC-3, được đánh giá là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo hiệu quả nhất hiện nay, đặc biệt với phiên bản mới nhất là Missile Segment Enhancement (MSE).

Ngoài Patriot, các hệ thống phòng không khác đang hoạt động tại Ukraine bao gồm S-300 có từ thời Liên Xô, NASAMS do Na Uy cung cấp, Iris-T của Đức, và SAMP/T – hệ thống phòng không Pháp-Ý sử dụng tên lửa Aster, hiện là một trong những đối trọng gần nhất với Patriot về khả năng đánh chặn hiện đại.

Điểm nổi bật của PAC-3 là công nghệ “hit-to-kill” (tạm dịch: chạm để diệt), nghĩa là thay vì phát nổ gần mục tiêu và rải mảnh như các tên lửa phòng không truyền thống, PAC-3 phá hủy mục tiêu bằng cách trực tiếp va chạm với nó. Theo một tài liệu mà Lockheed Martin cung cấp cho tờ Kyiv Independent, phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt toàn bộ tên lửa đối phương, kể cả các tên lửa có chứa chất nổ mạnh hoặc chất hóa học, đồng thời hạn chế nguy cơ các mảnh vỡ vẫn rơi trúng mục tiêu.

Không giống như PAC-2, PAC-3 không mang theo thuốc nổ, giúp nó trở nên nhỏ gọn, nhẹ và cơ động hơn nhiều. Điều này cho phép mỗi bệ phóng Patriot tiêu chuẩn có thể chứa tới 16 quả PAC-3, so với chỉ 4 quả PAC-2.

Công nghệ nhắm mục tiêu chính xác cho phép PAC-3 thực hiện chiến thuật "hit-to-kill" là một cải tiến quan trọng, được phát triển sau khi PAC-2 thất bại trong việc đánh chặn hiệu quả các tên lửa SCUD của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Tính đến nay, Mỹ là quốc gia duy nhất xuất khẩu công nghệ "hit-to-kill".

Lockheed Martin nhấn mạnh trong một tuyên bố gửi Kyiv Independent: “Công nghệ hit-to-kill của PAC-3 tích hợp các phần mềm và phần cứng tiên tiến, từ đầu dò hiện đại, thân tên lửa có độ phản ứng cao, hệ thống điều khiển linh hoạt cho đến phần mềm điều hướng. Tooe hợp những yếu tố đó giúp PAC-3 đạt được khả năng đánh chặn tuyệt đối".

Mặc dù vậy, việc sản xuất tên lửa Patriot mới sẽ mất nhiều năm để hoàn thiện. Dự báo, một lượng lớn tên lửa Patriot mới sẽ được đưa vào sản xuất trong vòng hai năm tới, trong khi hệ thống phòng không của Ukraine vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung tên lửa từ các quốc gia khác, trong bối cảnh nguồn cung này đang dần cạn kiệt trên toàn cầu.

Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo The Kyiv Independent, BBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ukraine-lam-nguy-truoc-nga-khi-bau-troi-khong-con-la-chan-thep-patriot-post1198431.vov