Ukraine 'mong muốn' có tên lửa Tomahawk của Mỹ, tại sao?

Làn sóng đồn đoán về vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine bùng lên dữ dội đầu tuần này sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc cung cấp tên lửa hành trình Tomahawk cho Kyiv.

Chỉ một ngày sau, mức độ đồn đoán lên đến đỉnh điểm khi có tin Tổng thống Donald Trump đã hỏi Tổng thống Volodymyr Zelensky liệu Ukraine có thể tấn công các thành phố quan trọng của Nga nếu được cung cấp vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất hay không.

Nhà Trắng, dù không phủ nhận cuộc trao đổi đã diễn ra nhưng nhanh chóng tìm cách dập tắt suy đoán. Thư ký Báo chí Karoline Leavitt nói rằng ông Trump "chỉ đặt câu hỏi, chứ không cổ vũ thêm đổ máu."

Những thông tin này xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Kyiv – Washington có dấu hiệu dịch chuyển đáng kể, đồng thời NATO công bố một cơ chế do liên minh hậu thuẫn, theo đó các nước thành viên sẽ mua hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất để chuyển cho Ukraine.

"(Tomahawk) chắc chắn sẽ là một nâng cấp đáng kể cho kho vũ khí của Ukraine, đặc biệt về khả năng tấn công tầm xa", Federico Borsari, chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), nói với Kyiv Independent.

"Nó sẽ cho phép Ukraine tung đòn đánh mang tải trọng nặng hơn nhiều so với những gì nước này đang sử dụng hiện nay".

Tomahawk sở hữu sức mạnh đáng gờm

Tomahawk là tên lửa hành trình dưới âm, tầm xa, được thiết kế để tấn công chính xác vào mục tiêu trên đất liền. Theo Borsari, tầm hoạt động của nó nằm trong khoảng 1.600–2.500 km.

Loại tên lửa này lần đầu được sử dụng trong chiến đấu vào Chiến dịch Bão táp Sa năm 1991 và đến nay vẫn là thành phần chủ lực trong năng lực tấn công tầm xa của Mỹ. Mỗi quả Tomahawk có giá khoảng 2 triệu USD và do Raytheon sản xuất.

"Hiện nay, tôi cho rằng đây là công cụ chính của Mỹ để đánh mục tiêu mặt đất ở rất xa. Nó được phóng chủ yếu từ các nền tảng hải quân, gồm tàu ngầm và tàu mặt nước", Borsari nói.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, được định danh là BGM-109, là tên lửa hành trình tầm xa cận âm do Hoa Kỳ thiết kế để tấn công chính xác các mục tiêu chiến lược và có giá trị cao. (Ảnh: Armyrecognition)

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, được định danh là BGM-109, là tên lửa hành trình tầm xa cận âm do Hoa Kỳ thiết kế để tấn công chính xác các mục tiêu chiến lược và có giá trị cao. (Ảnh: Armyrecognition)

Tomahawk có thể bay ở độ cao thấp và thực hiện các động tác cơ động né tránh nhằm giảm nguy cơ bị đánh chặn. Phiên bản mới nhất còn có thể được lập trình lại khi đang bay và thậm chí lơ lửng trên khu vực mục tiêu trước khi lao xuống tấn công.

"Đây là một tên lửa hành trình rất nhanh, dù vẫn dưới âm. Nó dùng kết hợp nhiều hệ dẫn đường khác nhau để đạt độ chính xác cao", Borsari cho biết và nói thêm rằng nó có thể đánh trúng mục tiêu với sai số "khoảng 30 mét, nếu không muốn nói là nhỏ hơn".

Tomahawk cũng mang "đầu đạn rất mạnh" nặng khoảng 400–450 kg, tùy cấu hình, ông nói.

Vì sao Ukraine muốn Tomahawk?

Tomahawk đã nằm trong "danh sách mong muốn" về vũ khí của Ukraine từ khá lâu, và được đưa vào "Kế hoạch Chiến thắng" mà Tổng thống Zelensky trình cho Tổng thống Mỹ khi đó là Joe Biden vào tháng 10/2024.

Nga vượt trội Ukraine về năng lực tên lửa và thường xuyên dùng các hệ thống tên lửa hành trình như Kalibr, các hệ thống đạn đạo Iskander để tấn công nhiều thành phố Ukraine.

Về tên lửa hành trình, hiện Ukraine trông cậy chủ yếu vào vũ khí do phương Tây cung cấp như Storm Shadow, đã phát huy hiệu quả nhưng chỉ có tầm bắn khoảng 250 km.

Đối với các đòn tấn công xa hơn, Ukraine hiện phụ thuộc vào UAV và loại đạn giống UAV như Palianytsia.

"Drone vẫn gây thiệt hại - chúng có thể bay lọt qua cửa sổ các nhà máy quốc phòng sâu trong hậu phương Nga", Ivan Stupak, cựu sĩ quan SBU và cựu nghị sĩ Ukraine, nói với Kyiv Independent hồi đầu tháng này.

"Nhưng hãy thực tế, 50 kg thuốc nổ thì vẫn chỉ là 50 kg và 500 kg trong một quả tên lửa sẽ tạo ra khác biệt".

Ukraine có thể đánh gì bằng Tomahawk?

Tầm bắn của Tomahawk sẽ mở ra một vùng mục tiêu rộng lớn trên lãnh thổ Nga cho các đòn tên lửa tầm xa của Ukraine, đáng chú ý nhất là Moscow và St. Petersburg.

Hiện, Ukraine thường xuyên nhắm vào Moscow bằng drone. Dù hiếm khi gây thiệt hại lớn, các vụ tấn công này gây tác động tâm lý đối với người dân Nga và làm gián đoạn rộng khắp, đặc biệt khi sân bay Nga phải đóng cửa.

Một nhóm mục tiêu khác nhiều khả năng được Ukraine ưu tiên là các căn cứ không quân nơi Nga phóng tên lửa quy mô lớn vào thành phố Ukraine.

Lâu nay Ukraine gặp khó khi tiếp cận các mục tiêu này vì Nga giữ đội bay ngoài tầm vũ khí do Kyiv tự phát triển cũng như vũ khí phương Tây đã chuyển giao.

Điều này đã thay đổi phần nào với Chiến dịch Mạng nhện, trong đó Ukraine táo bạo sử dụng drone FPV hoạt động ngay trong lãnh thổ Nga để tấn công, phá hủy đáng kể số lượng máy bay Nga.

Tuy nhiên, chiến dịch đó phải chuẩn bị suốt một năm rưỡi và dường như đến nay vẫn chỉ là hành động đơn lẻ.

Tên lửa Tomahawk sẽ cho phép tấn công thường xuyên vào căn cứ không quân Olenya thuộc tỉnh Murmansk của Nga - một trong những "bệ phóng chính" cho các đợt tập kích tên lửa lớn nhằm vào Ukraine.

Những khó khăn

Vadym Skibitskyi, Phó Giám đốc Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (HUR), nói với The Guardian ngày 15/7 rằng Tomahawk "không dễ sử dụng".

"Nền tảng phóng chính là tàu chiến hoặc máy bay ném bom chiến lược. Chúng tôi không có máy bay ném bom chiến lược", ông Skibitskyi nói.

Borsari cũng cho biết, Ukraine hiện thiếu hạ tầng hải quân cần thiết để phóng Tomahawk từ biển; còn triển khai phiên bản phóng từ đất liền sẽ đòi hỏi hậu cần phức tạp.

"Phức tạp hơn vì bạn không chỉ cần tên lửa, mà cần cả hệ thống phóng. Mỹ có thể cung cấp vài bệ phóng trên bộ… nhưng cung cấp trọn gói toàn hệ thống vào lúc này sẽ khó khăn hơn", Borsari nói.

Những hạn chế đó khiến khả năng Ukraine nhận Tomahawk "ở thời điểm hiện tại vẫn khá xa vời", theo Borsari.

Các lựa chọn thay thế Tomahawk

Khi thảo luận về vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp, có thể sẽ có những hệ thống thiết thực hơn với Ukraine trong ngắn hạn.

"Khi nghĩ đến các loại vũ khí Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine với tầm bắn xa hơn ATACMS, chúng ta nên xem xét, chẳng hạn, tên lửa tấn công ngoài tầm phòng không JASSM", Borsari nói.

"Nó có tầm khoảng 1.000 km, rất uy lực và có thể là giải pháp tốt cho Ukraine. Nó có thể dễ tích hợp vào máy bay Ukraine hơn nhiều so với Tomahawk".

Ngoài ra còn một lựa chọn khác đang ở phía trước - Đức sẽ cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa tầm xa mới "rất sớm, trong thời gian rất gần", Thủ tướng Đức Friedrich Merz nói ngày 17/7, dù không nêu tên loại vũ khí.

"Ukraine sẽ được đặt vào vị thế tốt hơn nhiều và sẽ sử dụng những hệ thống này, nhận được sự hỗ trợ của chúng tôi đối với các hệ thống đó trong vài tuần và vài tháng tới", ông Merz nói.

Thế Hải (Theo Kyivindependent, Armyrecognition)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ukraine-mong-muon-co-ten-lua-tomahawk-cua-my-tai-sao-204250721114730271.htm