Ukraine, Nga và cuộc chạy đua bảo vệ xe tăng khỏi máy bay không người lái
Trong số các phương tiện bay không người lái, các máy bay không người lái cảm tử đang dần trở thành một mối đe dọa.
Lực lượng Nga và Ukraine đang nỗ lực triệt để nhằm triển khai các biện pháp đối phó giúp bảo vệ xe tăng chủ lực của họ khỏi các máy bay không người lái cảm tử, một mối đe dọa mà các chuyên gia cho biết đang là một thử thách ngày càng lớn ngay cả đối với những phương tiện quân sự tốc độ cao.
Trong số các phương tiện bay không người lái, các máy bay không người lái cảm tử được coi là đầu đạn tên lửa cỡ nhỏ điều khiển từ xa, và chúng đang dần trở thành một mối đe dọa có sự hiện diện rộng rãi.
Federico Borsari, thành viên tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu tại Washington cho biết: “Những máy bay không người lái cảm tử hay vũ khí tuần kích mang lại khả năng trinh sát vượt ngoài tầm nhìn trực diện cho phép người điều khiển có thể theo dấu các xe tăng tới vị trí ẩn náu hay điểm khởi hành và tấn công chúng 24/7”.
“Những hệ thống này cũng có thể bám đuôi và tấn công xe tăng đang di chuyển tại điểm yếu nhất, đặc biệt là ống xả động cơ phía sau xe tăng”.
Một số báo cáo cho biết, mối đe dọa từ những loại vũ khí này đã khiến các quan chức Mỹ yêu cầu các xe tăng Abrams mà Mỹ viện trợ không nên được sử dụng trên tiền tuyến cho tới khi các chỉ huy đề ra được chiến lược chiến đấu mới.
Samuel Bendett, một nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân tại Mỹ, cho biết các xe tăng được sử dụng làm “các phương tiện xuyên phá trong các cuộc tấn công trực diện” đã là những mục tiêu bị đe dọa cao nhất.
Trong hai tháng qua, một số xe tăng của Nga đã được phát hiện trang bị một số loại giáp bất thường, bao gồm một mái kim loại tự chế gắn các lớp lưới thép. Các kênh mạng xã hội của Ukraine đã gọi tên cho những xe tăng này là xe tăng rùa, trong khi các kênh Telegram của Nga đã gọi chúng là “Tsar Mangal” – vỉ nướng của tsar.
Mục tiêu của những biện pháp đối phó này là nhằm kích nổ sớm các khối thuốc nổ trên các máy bay không người lái và giảm thiểu khả năng các đầu đạn xuyên qua vỏ xe tăng. Tuy nhiên, những biện pháp này đã mang lại kết quả khác nhau.
Trong trường hợp các xe tăng rùa, Borsari cho biết “những lớp giáp bằng gỗ và kim loại gắn lên xe tăng tạo thành một lớp vỏ kim loại bao bọc hoàn toàn ba hướng và nóc xe tăng khiến cho việc xoay tháp pháo trở thành bất khả thi và thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầm nhìn của xe tăng”.
Lực lượng Nga và Ukraine cũng đã sử dụng triệt để các phương pháp chiến tranh điện tử khác nhau, bao gồm cài đặt các bộ gây nhiễu đa tần số trên nóc các xe tăng nhằm gây gián đoạn tần số radio của các máy bay không người lái của phe địch.
Mặc dù nhiều nhà phân tích coi chiến tranh điện tử là phương pháp tự vệ tốt nhất chống lại các loại máy bay không người lái cỡ nhỏ, Borsari cho rằng cả hai phe trong cuộc xung đột đều đang thử nghiệm một số biện pháp mang tính sáng tạo, khiến cho cuộc đua này trở thành “một trò chơi mèo đuổi chuột”.
Một số đoạn phim đã xuất hiện trên Telegram cho thấy các máy bay không người lái cảm tử gây hư hại và chặn đứng các phương tiện chiến đấu tại Ukraine, nhưng nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh việc phá hủy xe tăng bắt buộc sử dụng hàng loạt loại vũ khí này dưới tay những phi công có kinh nghiệm.
Bendett cho biết: “Vào thời điểm này, những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử thành công nhằm vào các xe tăng phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của phi công – việc phá hủy xe tăng yêu cầu có hỏa lực lớn, và chỉ có những phi công có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm nhất có thể điều khiển máy bay không người lái tấn công vào đúng vị trí cần tấn công”.
Nguyễn Quang Minh (Theo Defense News)