Các hệ thống phòng không Iron Dome và Barak 8 gây ấn tượng mạnh cho Ukraine khi đã chứng minh hiệu quả của chúng trong việc bảo vệ các mục tiêu trên đất Israel trước đạn pháo, cối, rocket tự chế hay máy bay không người lái... đối phương.
Mong muốn nhận những tổ hợp phòng không trên đã được Ukraine chính thức đệ trình lên chính phủ Israel, tuy nhiên vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra, nguyên nhân chính là do Tel Aviv không muốn làm hỏng mối quan hệ với Moskva, đặc biệt là trong tình hình hiện tại ở Syria.
“Ukraine đã yêu cầu Israel cung cấp các hệ thống phòng không tối tân đã chứng minh được năng lực tác chiến trong thực tế bao gồm Iron Dome cũng như Barak 8".
"Tuy nhiên Israel cho đến nay vẫn từ chối, họ không muốn khiêu khích Nga đề bị cản trở các cuộc không kích nhằm vào những mục tiêu trên đất Syria, nơi có sự hiện diện quân sự của Nga”, tờ New York Times nói rõ.
Hiện tại Israel mới chỉ dừng ở hỗ trợ quân sự phi sát thương cho Ukraine, bao gồm cung cấp quân phục, nhu yếu phẩm, hay xa hơn là khí tài tác chiến điện tử chống máy bay không người lái và xa nhất là hình ảnh vệ tinh về các hoạt động của Nga.
Đối với vũ khí mà Ukraine muốn nhận. Đầu tiên, Iron Dome là hệ thống phòng thủ được thiết kế để đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũng như đạn pháo bắn từ khoảng cách 4 đến 70 km và có quỹ đạo sẽ đưa chúng đến một khu vực đông dân cư.
Với khả năng bao quát vùng lãnh thổ rộng 150 km2, mỗi tiểu đoàn Iron Dome gồm 1 trạm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi, dẫn bắn), trung tâm chỉ huy hỏa lực và 3 bệ phóng với 20 tên lửa đánh chặn Tamir cho mỗi bệ.
Điểm đặc biệt của Iron Dome nằm ở chỗ tổ hợp vũ khí này có thể tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa đối phương không hướng vào các khu dân cư, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn
Mới đây Rafael đã giới thiệu phiên bản Iron Dome Block 2 với radar theo dõi và dẫn bắn mạnh hơn do công ty Elta Systems (một chi nhánh của Tập đoàn IAI) phát triển.
Nhờ nâng cấp trên, hiệu suất đánh chặn của Iron Dome được nâng lên tới 90%. Ngoài phiên bản trên bộ thì "Vòm sắt" còn đang được thử nghiệm cả biến thể dùng trên tàu hải quân.
Trong khi đó hệ thống tên lửa phòng không Barak 8 do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Israel (IAI) hợp tác phát triển.
Tổ hợp Barak 8 được thiết kế để đối phó với nhiều mối nguy hiểm trên không như: tên lửa hành trình chống tàu, bom hành trình, máy bay có người lái và không người lái…
Đạn tên lửa Barak 8 có chiều dài 4,5 m; đường kính thân 0,54 m; sải cánh 0,94 m; trọng lượng 275 kg với đầu đạn nặng 60 kg; tầm bắn tối đa 70 km; độ cao diệt mục tiêu 16 km; tốc độ hành trình Mach 2, có khả năng đánh chặn mục tiêu cơ động cao.
Khi lắp thêm tầng đẩy phụ, tên lửa Barak 8 sẽ đạt tới tầm bắn 100 km, nó được tối ưu hóa để bắn hạ mục tiêu đang lao thẳng vào mình cho nên không yêu cầu phải có vận tốc quá lớn.
Về phương thức dẫn đường, sau khi phóng tên lửa Barak 8 sẽ liên tục cập nhật thông tin dữ liệu mục tiêu từ tàu phóng qua kênh liên kết để hiệu chỉnh đường bay.
Ở pha cuối, tên lửa sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động để tự “tìm - diệt” mục tiêu mà không cần sự can thiệp từ tàu phóng, thuật toán tiên tiến giúp nó lựa chọn góc tiếp cận phù hợp nhất.
Barak 8 được thiết kế để phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), kết cấu cụm 8 ống phóng có tổng trọng lượng 1,7 tấn. Nhà thiết kế “quảng cáo” rằng vũ khí này có thể dễ dàng tích hợp lên tàu chiến cỡ nhỏ.
Một điểm ưu việt nữa của tên lửa Barak 8 đó là giá thành của nó tương đối rẻ so với các loại tên lửa đánh chặn khác như 9M96 hay 9M317M do Nga sản xuất.
Bạch Dương