Ukraine tuyên bố phá hủy một cây cầu tại vùng Kursk của Nga
Ngày 18/8, Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola O Meatchuk cho biết lực lượng không quân nước này đã phá hủy một cây cầu chiến lực bắc qua sông Seym ở khu vực Kursk của Nga, hạn chế khả năng tiếp tế của một nhóm quân đội Nga.
Tuyên bố trên Telegram ngày 18/8, ông Mykola O Meatchuk cho biết: “Tại hướng Kursk, một cây cầu nữa đã bị phá hủy. Không quân Ukraine tiếp tục phá hủy khả năng hậu cần của quân đội Nga bằng các cuộc không kích chính xác, điều này ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến chiến sự". Ông không công bố vị trí cụ thể của cây cầu, tuy nhiên hãng tin Reuters cho biết vị trí có thể nằm ở khu vực làng Zvannoye.
Trong bài phát biểu tối cùng ngày, Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục cho biết: “Hoạt động của chúng tôi ở khu vực Kursk vẫn đang gây thiệt hại cho quân đội và nhà nước Nga, ngành công nghiệp quốc phòng và nền kinh tế của quốc gia này”.
Ông cũng gửi lời cảm ơn các lực lượng Ukraine tham gia chiến dịch Kursk cũng như các lực lượng ở mặt trận phía đông, đồng thời yêu cầu các đồng minh của nước này đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ quân sự đã hứa. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh: “Việc cung cấp vũ khí từ các đối tác của chúng tôi cần tăng tốc hơn nữa do giao tranh không có ngày nghỉ”.
Tính tới hiện tại, Kiev cho biết nước này đã tịch thu hơn 80 khu định cư trên diện tích 1.150 km2 ở Kursk kể từ khi phát động cuộc tấn công bất ngờ qua biên giới vào ngày 6/8.
Quân đội Nga vẫn chưa phản hồi về tuyên bố tấn công ngày 18/8 trên. Vụ tấn công này là vụ tấn công thứ hai của Ukraine vào các cây cầu tại Kursk. Trước đó ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Nga cho biết khu vực Kursk bị tấn công bởi các bệ phóng tên lửa rất có thể là HIMARS do Mỹ sản xuất. Hậu quả của cuộc tấn công khiến một cây cầu bắc qua sông Seym ở quận Glushkovo bị phá hủy hoàn toàn và những tình nguyện viên đang hỗ trợ dân thường sơ tán đã thiệt mạng.
Ở một diễn biến khác, ngày 18/8 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã có một số tuyên bố đáp trả bài báo được đăng tải bởi tờ Washington Post ngày 17/8, trong đó trích dẫn nguồn tin khẳng định cuộc tấn công của Ukraine đã cản trở các cuộc đàm phán gián tiếp bí mật giữa Moscow và Kiev về khả năng tạm dừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng.
Bà khẳng định Nga và Ukraine không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán “trực tiếp hoặc gián tiếp nào”. Ngoại trừ việc trao đổi tù nhân do bên thứ 3 thúc đẩy, lần cuối cùng hai bên ngồi vào bàn đàm phán là từ mùa xuân năm 2022.
Hãng tin RT dẫn lời bà cho biết “không ai cản trở bất kỳ điều gì”, đồng thời nhấn mạnh hai bên chưa thảo luận về bất kỳ “chế độ an ninh” nào đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng. Bà cũng tái khẳng định các mối đe dọa đối với các cơ sở năng lượng như nhà máy điện hạt nhân ở Zaporozhye và Kursk đến từ Kiev chứ không phải Moscow.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhận định Ukraine có "tất cả các cơ hội" để giải quyết xung đột thông qua đàm phán nhưng đã không làm như vậy.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán bất cứ lúc nào miễn là tính đến tình hình thực tế. Hồi tháng 6 vừa qua, Nga cũng đã đưa ra một sáng kiến hòa bình khác, trong đó Tổng thống Vladimir Putin cho biết nước này sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev nếu nước này rút quân khỏi 4 khu vực gia nhập Nga vào năm 2022 và cam kết duy trì quy chế trung lập.
Tuy nhiên, bà Zakharova cho biết Kiev đã phản ứng trước “cử chỉ thiện chí” này bằng cách tiến hành một cuộc tấn công vào Vùng Kursk, nơi lực lượng Ukraine “cố tình giết chết các bác sĩ, nhân viên cứu hộ và tình nguyện viên, cũng như tấn công các phương tiện vận tải dân sự”.
Sau vụ tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố nước này sẽ không đàm phán với những kẻ “tiến hành các cuộc tấn công bừa bãi vào dân thường”.