Ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu: Thời cơ cho đường sắt 'chia lửa' với đường bộ

Trước tình trạng hàng hóa đang bị ùn ứ nhiều tại các cửa khẩu phía Bắc, Bộ GTVT yêu cầu phải tìm giải cách gỡ khó. Trong đó thúc đẩy vận tải hàng hóa từ phía Nam, cũng như hàng xuất đi Trung Quốc, châu Âu bằng đường sắt.

Hàng liên vận đường sắt quốc tế tăng 2 con số trong đại dịch Covid-19

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2021 mặc dù vận tải đường sắt chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng hàng liên vận quốc tế, trong đó có hàng đi châu Âu tăng trưởng 2 con số.

Chuyến tàu chuyên container đầu tiên xuất phát từ ga Yên Viên - Hà Nội kết nối với thành phố Liege - Bỉ.

Chuyến tàu chuyên container đầu tiên xuất phát từ ga Yên Viên - Hà Nội kết nối với thành phố Liege - Bỉ.

Cụ thể, dự kiến cả năm 2021, hàng liên vận quốc tế xuất qua cả hai ga cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đạt hơn 508.000 tấn, tăng khoảng 32% so cùng kỳ 2020; Doanh thu tăng khoảng 2%.

Chiều hàng nhập liên vận quốc tế dự kiến đạt hơn 635.000 tấn, tăng hơn 38% so cùng kỳ 2020; Doanh thu tăng khoảng 16%.

“Trong đó, đã tổ chức được các đoàn tàu đi thẳng từ Việt Nam sang châu Âu, sản lượng vận chuyển container liên vận quốc tế tăng hơn 100% so với cùng kỳ; Mở thêm được các đoàn tàu chuyên tuyến container đến các thành phố của Trung Quốc”, ông Mạnh cho hay.

Theo ông Mạnh, đường sắt cũng đang tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, tăng tỷ trọng vận tải hóa bằng container và đẩy mạnh vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á...

“Trong năm 2021, Tổng công ty đã đưa vào khai thác sản phẩm dịch vụ mới là đoàn tàu container liên vận quốc tế chạy thẳng châu Âu”, ông Mạnh cho biết.

Đoàn tàu hàng liên vận quốc tế đi châu Âu.

Đoàn tàu hàng liên vận quốc tế đi châu Âu.

Còn ông Trần Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) - doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận chuyển hàng đi châu Âu bằng đường sắt cho biết, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế của Ratraco liên tục tăng trong năm 2021, dự kiến đạt 946.000 tấn, tăng 300% so với cùng kỳ 2020; Trong đó lượng container xuất nhập khẩu 11 tháng thực hiện được 11.247 container, tăng 137% so với cùng kỳ 2020.

“Các nguồn hàng chính xuất nhập khẩu là hàng tiêu dùng, quặng, điện tử, gỗ công nghiệp... Hiện tại, công ty đã mở rộng các dịch vụ gia tăng như: đại lý khai báo hải quan, kiểm dịch thực vật, tư vấn thuế xuất nhập khẩu; giúp cung cấp đồng bộ, trọn gói các hoạt động liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng nên được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng, lựa chọn vận chuyển bằng đường sắt”, ông Hùng nói.

Những “rào cản” cần tháo gỡ

Theo ông Mạnh, còn có một số khó khăn nhất định nên đường sắt chưa phát huy được, nhất là do lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh liên tục qua các năm nên đến thời điểm này đã có hiện tượng ùn tắc tại cửa khẩu các ga và các ga sâu trong nội địa của cả hai nước.

“Có thời điểm hơn 600 toa xe Trung Quốc đang chờ để sang Việt Nam. Các ga khu vực xung quanh Hà Nội đều đã quá tải do năng lực bãi hàng hiện không đáp ứng được nhu cầu”, ông Mạnh cho hay.

Theo ông mạnh, các ga trên tuyến Bắc - Nam hạ tầng kho, bãi, đường bộ vào ga cũng xuống cấp, năng lực rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu đầu tư thiết bị bốc xếp, xe container tải trọng lớn ra vào nên gây nhiều khó khăn trong việc thu hút hàng container vận chuyển từ phía Nam ra, cũng như xuất qua Trung Quốc bằng đường sắt.

Để tháo gỡ các khó khăn này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất các giải pháp ngắn hạn. Trong đó, khẩn trương chuẩn bị hạ tầng, tăng năng lực xếp dỡ các bãi hàng tại các ga như: Kép, Đông Anh, Yên Viên để nâng năng lực sức chứa hàng hóa, container nhằm giải tỏa ách tắc cho các ga Đồng Đăng, Lào Cai.

Chuyển tàu đường sắt Việt Nam vận chuyển hàng hóa qua Trung Quốc đi các nước châu Âu.

Chuyển tàu đường sắt Việt Nam vận chuyển hàng hóa qua Trung Quốc đi các nước châu Âu.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ để làm việc với phía Trung Quốc cho phép hoạt động kiểm dịch tại ga Bằng Tường để tiếp nhận hàng nông sản, hoa quả từ Việt Nam sang bằng đường sắt. Cùng đó, kiến nghị Tổng cục Hải quan bố trí nhân viên, thời gian làm thêm để giải quyết thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.

Về giải pháp dài hạn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT sớm bố trí nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp và mở rộng bãi hàng, đường ga, kho ga tại các nhà ga, đặc biệt ưu tiên ga Đồng Đăng hiện đang là điểm nóng ách tắc hàng hóa liên vận quốc tế.

Bổ sung thêm các ga liên vận quốc tế tại khu vực miền Trung và phía Nam để hàng hóa xuất nhập khẩu đi bằng đường sắt được làm thủ tục hải quan sâu trong nội địa, góp phần giảm ách tắc tại các ga biên giới.

Các Bộ, ngành có hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển sang xuất nhập khẩu theo hình thức chính ngạch để rút ngắn thủ tục, thời gian thông quan cũng như có thể vận chuyển được bằng đường sắt.

Vướng ở đâu “gỡ” ngay ở đó

Để tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc vận tải đường bộ tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là thời điểm tốt để ngành vận tải hàng hóa đường sắt “chia lửa” với vận tải đường bộ.

Dịch COVID-19 bùng phát cũng là thời điểm để ngành vận tải đường sắt giành lại thị phần vận tải hàng hóa với đường bộ.

Dịch COVID-19 bùng phát cũng là thời điểm để ngành vận tải đường sắt giành lại thị phần vận tải hàng hóa với đường bộ.

"Hiện các cửa khẩu đường bộ đang ách tắc, trong khi hàng hóa qua các ga đường sắt biên giới vẫn thông suốt cho thấy thuận lợi của vận tải đường sắt. Không chỉ hàng qua lại biên giới, hàng đi châu Âu bằng đường sắt thời gian cũng ngắn hơn đường biển, chi phí thấp hơn 50%", Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu phải tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy vận tải hàng hóa từ phía Nam, cũng như hàng xuất đi châu Âu bằng đường sắt.

“Đây là cơ hội, là hướng ra cho vận tải đường sắt, không thể kéo dài lỗ mỗi năm vài trăm tỷ như năm 2021. Phải khẩn trương tạo điều kiện thuận lợi để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đổi mới, phát triển bền vững”, ông Thể nói.

Đối với vận tải đường sắt đi châu Âu, Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất cụ thể, nêu rõ các ga nào có thể mở mới ga liên vận quốc tế; Thủ tục hải quan, biên phòng cần đơn giản hóa; Việc chuyển container, chuyển hàng từ phía Nam ra bằng tàu khổ 1.000mm sang tàu khổ 1.435mm để đi châu Âu cần đầu tư những gì?

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý các đơn vị nghiên cứu thúc đẩy kết nối hạ tầng đường sắt kết nối với Lào, Trung Quốc, nhất là đường sắt kết nối Lào với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có để đẩy mạnh khai thác hàng quá cảnh từ Lào sang.

Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động đề xuất các giải pháp, cơ chế cụ thể, báo cáo Bộ GTVT để trên cơ sở đó Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ, làm việc với các Bộ, ngành.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần có giải pháp cụ thể thúc đẩy vận tải nội địa, nhất là tuyến Bắc - Nam và vận tải hàng đi châu Âu. Đối với vận tải nội địa, cần rà soát, xác định một số ga hiện hữu còn quỹ đất hoặc có thể mở rộng, nâng cấp kho bãi thành điểm tập kết hàng hóa bằng đường bộ, từ đó vận chuyển bằng tàu và đề xuất cơ chế đầu tư.

“Cần nghiên cứu mở ga mới trên các tuyến gần các khu công nghiệp, thuận lợi về đường bộ kết nối, mặt bằng rộng, không vướng về giải phóng mặt bằng để làm ga tập kết, trung chuyển hàng hóa. Cùng đó, đề xuất cơ chế, hình thức đầu tư, có thể Tổng công ty tự đầu tư 100%, hoặc liên doanh, liên kết, kêu gọi vốn. Có thể chọn một, hai điểm làm mẫu, thí điểm. Cần mạnh dạn đề xuất và đầu tư đồng bộ để đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa”, Bộ trưởng GTVT yêu cầu./.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/un-tac-hang-hoa-tai-cua-khau-thoi-co-cho-duong-sat-chia-lua-voi-duong-bo-post915237.vov